Liệu Trái đất có phải là một hành tinh "đột biến"?
Các nhà khoa học NASA thừa nhận họ chỉ mới tìm thấy những hành tinh mang một số đặc điểm giống với Trái đất, nhưng giống hoàn toàn về mọi mặt thì chưa, mặc dù có cả hàng ngàn ngoại hành tinh đã được xác định.
Một bài báo khoa học từ Chương trình thám hiểm ngoại hành tinh của NASA đã phân tích xem có phải chúng ta đến giờ vẫn "cô đơn" có phải vì Trái đất là một hành tinh dị biệt, đã phát triển theo cách "không giống ai" giữa các loại hành tinh khác trong vũ trụ.
Trái đất có thể là một kẻ dị chủng trong vũ trụ? - (Ảnh: NASA).
Như các công bố của NASA và nhiều nhóm nghiên cứu thiên văn về các ngoại hành tinh (hành tinh ngoài hệ Mặt Trời), chúng dường như hình thành theo những dạng nhất định: các sao Mộc nóng, các siêu Trái đất cực lạnh, các tiểu Hải Vương Tinh... Có nhiều cái giống Trái đất ở nhiều mặt, nhưng giống hoàn toàn để chắc chắn 100% sống được thì chưa.
Tờ SciTech Daily dẫn lời tiến sĩ Jessie Christiansen từ Viện Khoa học Ngoại hành tinh của NASA: "Các hệ hành tinh mà chúng ta đang tìm thấy không giống như Hệ Mặt trời của chúng ta. Quan trọng là Hệ Mặt trời của chúng ta có khác biệt không?"
Theo NASA, cũng có khả năng chúng ta không phải một dạng hành tinh "đột biến" nên may mắn có sự sống, mà có thể do các phương tiện khoa học hiện đại đã bỏ sót các hành tinh thực sự giống Trái đất. Là một cơ quan vũ trụ đi đầu trong cuộc săn ngoại hành tinh, nhưng NASA thừa nhận những khiếm khuyết của các "thợ săn ngoại hành tinh" tối tân của mình.
Ví dụ, phương pháp "dao động" hay còn gọi là "vận tốc xuyên tâm" phổ biến nhất để tìm kiếm ngoại hành tinh còn nhiều hạn chế. Khó mà có thể nhìn thấy ngoại hành tinh trực tiếp, nên các nhà khoa học đã nhìn bằng cách đo đạc những lực vô hình kéo lệch ngôi sao mẹ, từ đó tính toán về thứ đang quay quanh nó. Nhưng hành tinh càng to, lực kéo càng lớn. Vì thế, hầu hết hành tinh tìm thấy theo cách này đều lớn hơn Trái đất.
Phương pháp "quá cảnh" - nôm na là đo đạc sự thay đổi độ sáng của sao mẹ khi ngoại hành tinh quay quanh nó - thì dường như chỉ tìm thấy chủ yếu những hành tinh thường xuyên đi qua sao mẹ. Nhưng những hành tinh chỉ có quỹ đạo vài giờ, vài ngày hay vài chục ngày này thì lại quá gần sao mẹ nên thường quá nóng.
Vì vậy, NASA cho biết để có thể tìm ra bản sao Trái đất, họ đang nhắm tới các "thợ săn ngoại hành tinh" mới có khả năng kiểm tra bầu khí quyển để tìm dấu hiệu của oxy, methane hoặc carbon dioxide. James Webb vừa bay lên vũ trụ có thể đáp ứng được phần nào kỳ vọng đó.