Lộ diện thứ "cực kỳ chết chóc" gửi tín hiệu vô tuyến đến Trái đất
Thủ phạm bị nghi ngờ tạo ra chớp sóng vô tuyến nhiều lần "dội bom" địa cầu bao gồm một loạt vật thể khủng khiếp nhất vũ trụ và cả người ngoài hành tinh. Các nhà khoa học có thể đã tìm ra lời giải.
Một nghiên cứu mới dẫn đầu bởi Viện Thiên văn vô tuyến Max Plack (Đức) và Đại học Manchester (Anh) cho thấy một trong các nguồn phát ra các chớp sóng vô tuyến có thể là loại "quái vật" vũ trụ khủng khiếp: Sao từ.
Kính thiên văn vô tuyến Effelberg - (Ảnh: MAX-PLANCK-GESELLCHAFT).
Theo Space.com, từ lâu mối hoài nghi liên quan đến dạng tín hiệu vô tuyến nhanh, bùng nổ này đã bủa vây những ngôi sao neutron đáng sợ.
Nếu như những ngôi sao bình thường như Mặt trời của chúng ta chết đi, nó sẽ bùng lên rồi sụp đổ thành một sao lùn trắng bé nhỏ nhưng dày đặc, chết chóc.
Sao neutron cũng là một dạng xác chết sao như vậy, nhưng "cực kỳ chết chóc", bởi sinh ra từ các ngôi sao siêu khổng lồ. Loại sao này có từ trường khủng khiếp, vật chất cực kỳ dày đặc đến nỗi mỗi muỗng canh vật chất từ nó đã nặng bằng Everest!
Từ trường của sao neutron bình thường đã mạnh gấp hàng ngàn tỉ lần Trái đất, sao từ lại mạnh hơn sao neutron thường 1.000 lần. Chỉ có 30 sao từ từng được xác định trong vũ trụ.
Các nhà thiên văn đã phát hiện được khả năng phát xạ vô tuyến từ 6 sao từ trong số đó.
Thăm dò cấu trúc của 6 sao từ này bằng Kính thiên văn vô tuyến Effelberg đặt tại Đức, nhóm nghiên cứu xác định các sao từ thực sự đạt được một tỉ lệ phổ quát về cấu trúc xung và chuyển động quay để sở hữu khả năng phát xạ vô tuyến dữ dội.
Điều này cho thấy bản thân nó có thể là một trong các thủ phạm tạo ra chớp sóng vô tuyến, chứ không nhất thiết cần đến một vụ va chạm giữa hai sao neutron với nhau, hay giữa sao neutron và lỗ đen như suy nghĩ trước đây.
Theo tiến sĩ Ben Sappers, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết việc xác định ít nhất một số chớp sóng vô tuyến có nguồn gốc sao từ ngược lại cũng giúp chúng ta hiểu thêm về loại vật thể bí ẩn này, thông qua các khoảng thời gian giữa hai lần phát tín hiệu và nhiều yếu tố khác.
Nghiên cứu của nhóm vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Astronomy.