Loài chim nguy hiểm nhất thế giới đã được thuần hóa từ 18.000 năm trước
Loài chim đầu tiên được con người nuôi có thể là loài đà điểu đầu mào – hay thường được gọi là loài chim nguy hiểm nhất thế giới - với ngón chân dài như dao găm.
Đây là loài có tập tính lãnh thổ, hung dữ và có ngoại hình giống khủng long. Thật đáng ngạc nhiên rằng loại chim này lại được chọn để thuần hóa.
Loài chim nguy hiểm này đã được con người thuần hóa từ rất lâu.
Bằng chứng thuần hóa đầu tiên
Một nghiên cứu mới trên hơn 1.000 mẫu hóa thạch mảnh vỏ trứng, được khai quật trong 2 hầm trú ẩn bằng đá của con người thời kỳ săn bắn và hái lượm tại New Guinea, cho thấy có khả năng con người đã thu lượm những quả trứng của loài này từ khi chưa nở, ấp chúng cho đến khi nở thành chim non và nuôi đến khi trưởng thành. New Guinea là một hòn đảo lớn nằm ở phía Bắc nước Úc. Nửa phía Đông của hòn đảo là Papua New Guinea và nửa phía Tây thuộc lãnh thổ Indonesia.
“Hành vi mà chúng ta tìm thấy xuất hiện hàng nghìn năm trước khi loài gà được thuần hóa”, tác giả nghiên cứu Kristina Douglass, phó giáo sư nhân chủng học và nghiên cứu Châu Phi tại Đại học Bang Penn, cho biết.
Chân của đà điểu đầu mào phương Nam, hay còn gọi là đà điểu đầu mào hai yếm. (Ảnh: CNN)
“Và đây không phải là loài chim nhỏ, mà là một loài chim lớn, sặc sỡ, không biết bay và có thể tấn công bạn”, bà nói trong một bài phát biểu trước báo chí.
Các nhà nghiên cứu cho biết mặc dù loài đà điểu đầu mào có thể trở nên hung hăng (năm 2019, một người đàn ông tại Floria đã bị loài này tấn công và thiệt mạng), nhưng chúng lại dễ dàng “in vết” và trở nên gắn bó với thứ đầu tiên chúng nhìn thấy khi nở ra. Nhờ đó con người có thể dễ dàng bảo tồn và nuôi chúng đến khi trưởng thành.
Ngày nay, đà điểu đầu mào là loài động vật có xương sống lớn nhất tại New Guinea. Bộ lông và xương của chúng là những vật liệu có giá trị cao trong chế tác trang sức và trang phục lễ hội. Thịt đà điểu đầu mào cũng được xem là sơn hào hải vị tại New Guinea.
Chi đà điểu đầu mào có 3 loài và cũng là những loài bản địa tại Bắc Queenland, Úc và New Guinea. Bà Douglass cho rằng tổ tiên thời cổ đại của chúng ta rất có thể đã nuôi loài nhỏ nhất, là đà điểu đầu mào lùn, với cân nặng khoảng 20kg.
Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã xác định niên đại carbon của số vỏ trứng và chúng khoảng 6.000 – 18.000 năm tuổi. Con người được cho là đã thuần hóa con gà đầu tiên không sớm hơn 9.500 năm trước. Vậy nên thuần hóa đà điểu đầu mào có thể còn xảy ra trước đó hàng ngàn năm.
Một chú đà điểu đầu mào con được nuôi trong nhà tại New Guinea. (Ảnh: Andrew L. Mack).
Không phải lấy trứng để ăn
Để đưa ra kết luận này, đầu tiên, các nhà nghiên cứu phân tích mẫu vỏ trứng của các loài chim còn sống khác như gà tây, đà điểu Châu Úc và đà điểu Châu Phi.
Mặt trong của vỏ trứng sẽ biến đổi khi chim non lấy canxi từ vỏ trứng. Bằng cách sử dụng hình ảnh 3D độ phân giải cao và quan sát bên trong vỏ trứng, các nhà nghiên cứu đã có thể xây dựng lại hình ảnh quả trứng theo từng giai đoạn ấp.
Các nhà khoa học đã thử nghiệm mô hình này lên loài đà điểu Châu Úc và đà điểu Châu Phi trước khi áp dụng lên các mảnh hóa thạch vỏ trứng tìm thấy tại New Guinea. Kết quả là nhóm nghiên cứu nhận thấy những mẫu hóa thạch vỏ trứng đều nằm gần giai đoạn trưởng thành.
“Điều chúng tôi tìm thấy rằng đa số vỏ trứng được thu hoạch ở giai đoạn cuối. Vỏ trứng trông rất già; cách chọn không phải là ngẫu nhiên”, bà Douglass cho biết.
Nghiên cứu cho biết những người sống trong 2 hầm trú ẩn trên đã thu hoạch trứng khi phôi đã hình thành đầy đủ các chi, mỏ, móng vuốt và lông vũ.
Chi đà điểu đầu mào có 3 loài và cũng là những loài bản địa tại Bắc Queenland, Úc và New Guinea. (Ảnh: CNN)
Nhưng liệu mục đích của con người khi thu thập trứng là để ấp hay để ăn? Bà Douglass nghĩ rằng có thể là vì cả hai.
Trứng lộn (trứng đã hình thành phôi hoàn chỉnh) được xem là món ngon tại nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, bà cho biết phân tích của nhóm cho thấy khả năng cao là con người đã thu lượm chúng về để ấp.
“Chúng tôi cũng tìm kiếm những dấu cháy xém trên vỏ trứng. Nhưng với số lượng vỏ trứng ở giai đoạn cuối không có vết cháy đủ để chúng tôi có thể nói rằng họ đã ấp trứng và không hề ăn chúng”.
Nguồn tài nguyên quý giá
Vỏ trứng non có nhiều vết cháy hơn cho thấy khi trứng đà điểu đầu mào được sử dụng làm thức ăn thì chúng sẽ được nấu chín và bên trong chủ yếu vẫn là dạng lỏng.
“Ngày nay, người dân trên đảo nuôi đà điều đầu mào từ nhỏ đến lớn để thu thập lông vũ, tiêu thụ hoặc mua bán chúng. Có thể trong quá khứ, loài chim này cũng có giá trị cao như vậy, vì đây là loài động vật có xương sống lớn nhất trên đảo New Guinea. Nuôi đà điểu đầu mào từ nhỏ sẽ cung cấp nguồn lông và thịt có sẵn, vì khi loài động vật đã trưởng thành sẽ khó săn bắn trong môi trường hoang dã”, bà Douglass giải thích qua email.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề mà các nhà khoa học chưa thể giải đáp.
Để có thể ấp và nuôi đà điểu non, con người cần phải biết nơi làm tổ của chúng, biết khi nào trứng được đẻ và khi nào thì có thể thu nhặt chúng về ngay trước khi nở ra. Điều này không dễ dàng gì vì các loài chim không làm tổ cùng một chỗ với những năm trước. Một khi con mái đẻ trứng, con trống sẽ chịu trách nhiệm ấp trứng và không rời tổ trong vòng 50 ngày.
“Có thể con người đã săn bắn đà điểu trống và thu thập trứng. Vì con trống không rời khỏi tổ và chúng cũng không ăn quá nhiều khi đang trong quá trình ấp trứng, do vậy chúng rất dễ bị các loài săn mồi tấn công”, bà nói.