Loài thằn lằn chuyên ăn nhện góa phụ đen kịch độc
Thằn lằn cá sấu ở Nam California ăn nhện góa phụ đen và dường như tiến hóa miễn dịch đối với nọc độc của chúng.
Các nhà nghiên cứu ở Nevada tiến gần hơn một bước trong việc xác định bí quyết kháng nọc độc của nhện góa phụ đen. Thông qua nghiên cứu tác động của nọc độc tới các loài thằn lằn, thiên địch của nhện góa phụ đen, họ phát hiện chúng có thể kháng cơ chế tự vệ chết chóc từ loài nhện này.
Nhện góa phụ đen là một trong những loài nhện độc nhất ở Bắc Mỹ. (Ảnh: Kadams66)
Ở California và các bang miền Tây khác, thằn lằn cá sấu (Elgaria coerulea) có thể dễ dàng ăn nhện góa phụ đen. Điều đó thu hút sự quan tâm của Chris Feldman, giáo sư sinh vật học ở Đại học Nevada, Reno. Dù nọc độc nhện vô hại khi ăn, nhiều khả năng thằn lằn bị cắn khi săn mồi. Liệu chúng có miễn dịch với nọc độc hay không?
Trong nghiên cứu công bố hôm 19/10 trên tạp chí Royal Society Open Science, Feldman và cộng sự tìm cách trả lời câu hỏi thông qua một loạt thí nghiệm bao gồm 3 loài thằn lằn và một đường đua nhỏ. Kết quả cho thấy trong lịch sử chung sống lâu dài với nhện, thằn lằn cá sấu đã tiến hóa khả năng chống chọi nọc độc.
Trong môi trường ấm áp nơi nhện góa phụ đen phát triển ở miền Tây nước Mỹ, thằn lằn là hàng xóm gần gũi của chúng. Nhện góa phụ đen thậm chí ăn thằn lằn nhỏ mắc vào lưới của chúng. Để xem xét những loài thằn lằn khác nhau có tiến hóa cơ chế bảo vệ hay không, nghiên cứu sinh Vicki Thill và cộng sự đưa thằn lằn cá sấu, thằn lằn hàng rào miền Tây và thằn lằn side-blotched vào phòng thí nghiệm. Tại đó, họ tiêm nọc độc nhện góa phụ đen vào thằn lằn và để chúng chạy trên đường đua nhằm xem xét nọc độc có ảnh hưởng tới tốc độ của chúng hay không.
Thằn lằn side-blotched chạy chậm chứng tỏ nọc độc có ảnh hưởng. Nhưng dù gặp lượng nọc độc đủ giết chết 5 con chuột, thằn lằn cá sấu và thằn lằn hàng rào không có bất kỳ thay đổi nào.
Tiếp theo, các nhà khoa học kiểm tra mô cơ ở chân thằn lằn. Ở động vật có vú, nọc độc nhện góa phụ đen tiêu diệt tế bào cơ bắp, để lại tổn thương lan rộng quanh vết cắn. Thằn lằn hàng rào và thằn lằn side-blotched có dấu hiệu bị thương cơ bắp và viêm nhiễm. Nhưng ở thằn lằn cá sấu, cơ bắp hoàn toàn nguyên vẹn như thể chưa bao giờ nhiễm nọc độc. Điều đó chứng tỏ thằn lằn cá sấu đã tiến hóa cách phản ứng nhanh để bảo vệ bản thân trước nọc độc của nhện góa phụ đen. Feldman suy đoán một số hợp chất có thể vô hiệu hóa hoặc làm tan nọc độc trước khi gây tổn thương.