Mạng 4G Mặt trăng sẽ thử nghiệm lần đầu vào cuối năm nay
Sứ mệnh Artemis 3 của NASA sẽ bao gồm đưa người đổ bộ lên Mặt trăng, và sử dụng công nghệ mạng di động 4G của Nokia để liên lạc giữa các thành viên.
Khi sứ mệnh Artemis 3 của NASA thành công hạ cánh xuống Mặt trăng, những phi hành gia đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng kể từ kỷ nguyên Apollo sẽ được trải nghiệm thứ mà những người tiền nhiệm không thể: Công nghệ mạng di động.
Mô hình xe tự hành với ăng-ten truyền phát mạng Nokia 4G/LTE trên Mặt trăng (Ảnh: Nokia/Intuitive Machines).
Được biết, các phi hành gia của Artemis 3 sẽ mặc bộ đồ đặc biệt do Axiom Space và Nokia hợp tác thiết kế, với điểm nhấn là trang bị kết nối 4G/LTE. Đây chính là loại mạng di động hiện được sử dụng bởi hầu hết các nhà cung cấp viễn thông trên toàn thế giới.
Công nghệ này cho phép các phi hành gia có thể sử dụng mạng di động để thực hiện các nhiệm vụ như liên lạc, phát trực tiếp video độ nét cao… Mặc dù có cùng cách thức kết nối, song hạ tầng 4G trên Mặt trăng sẽ có đôi chút khác biệt.
Trên Trái đất, mạng di động bao gồm một mạng lưới các trạm gốc, gồm các tháp di động nằm rải rác khắp nơi. Tuy nhiên, mô hình này sẽ rất khó để áp dụng lên Mặt trăng.
Thay vào đó, ý tưởng do Nokia đề xuất bao gồm nén tất cả các thiết bị trạm gốc của tháp vào một chiếc hộp có thể đặt vừa lên tàu đổ bộ. Khi tàu hạ cánh lên Mặt trăng, "trạm mini" này sẽ nhanh chóng được thiết lập, và phủ sóng 4G trong phạm vi xấp xỉ 2km.
Trạm 4G với bán kính phủ sóng lên tới 2km sẽ được triển khai trên Mặt trăng (Ảnh: NASA).
Bộ đồ vũ trụ mang tên AxEMU của phi hành gia sau đó sẽ có thể kết nối với trạm gốc. Nhờ kết nối này, họ có thể truyền phát video độ nét cao hoặc truyền khối lượng lớn dữ liệu khoa học trở lại trạm gốc. Dữ liệu này sau đó sẽ được đưa về Trái đất để phục vụ nghiên cứu.
"Về cơ bản, các thành phần chính của điện thoại thông minh sẽ được tích hợp với bộ đồ phi hành gia", Russell Ralston, Phó Chủ tịch Axiom Space cho biết. "Nó sẽ được điều chỉnh để phù hợp với môi trường không gian và các yêu cầu từ NASA".
Trước khi triển khai 4G, các sứ mệnh ngoài không gian chủ yếu dựa vào sóng vô tuyến tần số cực cao (UHF) để đảm bảo liên lạc.
Đến nay, UHF vẫn duy trì hoạt động tốt. Nhưng công nghệ 4G với các đặc điểm nổi trội như có băng thông cao, và tốc độ truyền phát dữ liệu nhanh… sẽ là những cải tiến đáng giá cho hoạt động khám phá không gian.
Nhìn thấy tiềm năng từ lĩnh vực này, Nokia đã hợp tác nghiên cứu để phát triển công nghệ cho các ứng dụng không gian trong một vài năm nay, với khoản tài trợ lên tới 14,1 triệu USD của NASA.
Mạng 4G Mặt trăng theo kế hoạch, được gọi là Hệ thống truyền thông bề mặt Mặt trăng (LSCS), sẽ trải qua lần thử nghiệm đầu tiên vào cuối năm nay, khi sứ mệnh IM-2 của Intuitive Machines hạ cánh gần cực nam Mặt trăng.
Tàu đổ bộ IM-2 sẽ mang theo trạm gốc, trong khi hai tải trọng của IM-2, gồm xe tự hành Mobile Autonomous Prospecting Platform (MAPP) và máy bay không người lái Micro-Nova, sẽ mang theo bộ thu 4G.