Mô-đun trạm vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc chuẩn bị cất cánh
Theo Văn phòng Kỹ thuật Vũ trụ có Người lái Trung Quốc, nước này có kế hoạch phóng mô-đun cốt lõi của trạm vũ trụ của chính mình trước cuối tháng 6 tới, bắt đầu cho việc xây dựng khối tài sản quốc gia lớn nhất trên không gian.
Cơ quan này cho biết trong một tuyên bố vào sáng 4/3 rằng mô-đun lõi nặng 20 tấn và tên lửa đẩy hạng nặng Trường Chinh 5B được giao nhiệm vụ phóng nó đã được vận chuyển đến Trung tâm Phóng vũ trụ Văn Xương ở tỉnh Hải Nam để lắp ráp và thử nghiệm. Cùng với đó, bốn nhóm phi hành gia đã được chọn để xây dựng trạm vũ trụ và đang được đào tạo.
Thông cáo cho biết Trung Quốc quyết tâm xây dựng trạm vũ trụ này để tiến hành hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ. Các nhà khoa học Trung Quốc và những người đồng cấp của họ từ Liên Hợp Quốc đã lựa chọn loạt thí nghiệm khoa học đầu tiên do các nhà nghiên cứu nước ngoài đề xuất để có thể được thực hiện bên trong trạm vũ trụ. Theo cơ quan này, họ hiện đang làm việc để thực hiện các chương trình hợp tác đó.
Cơ quan này cũng lưu ý rằng họ đang xem xét các kế hoạch cho chương trình thăm dò Mặt trăng có người lái của Trung Quốc.
Mô-đun cốt lõi của trạm vũ trụ và tên lửa đẩy hạng nặng Trường Chinh 5B được vận chuyển đến Trung tâm Phóng Vũ trụ Văn Xương ở tỉnh Hải Nam.
Đây được xem là nỗ lực không gian phức tạp nhất của Trung Quốc, một trạm vũ trụ đa mô thức, có tên là Thiên Cung. Nó được thiết kế chủ yếu bao gồm ba thành phần - một mô-đun cốt lõi gắn với hai phòng thí nghiệm không gian - với tổng trọng lượng hơn 90 tấn.
Mô-đun cốt lõi, được đặt tên là Thiên Hà, dài 16,6 mét và có đường kính 4,2 mét. Nó có ba phần - phần kết nối, phần hỗ trợ và điều khiển sự sống và cuối cùng là phần tài nguyên. Nó sẽ là trung tâm cho các hoạt động của trạm không gian, vì các phi hành gia sẽ sống ở đó và điều khiển toàn bộ trạm từ bên trong. Mô-đun cũng sẽ được giao nhiệm vụ tổ chức các thí nghiệm khoa học.
Theo Cơ quan Quản lý Không gian Quốc gia Trung Quốc,12 phi hành gia đang được đào tạo cho các sứ mệnh bao gồm cựu binh của các chuyến bay Thần Châu trước đây, cùng những người mới đến. Trong số các phi hành gia có cả phụ nữ.
Trung Quốc đã phóng hai trạm vũ trụ thử nghiệm nhỏ hơn để kiểm tra các biện pháp cho khả năng đến điểm hẹn, cập bến và hỗ trợ sự sống. Sau khi hoàn thành, trạm vũ trụ này sẽ cho phép các phi hành gia lưu trú lên đến 6 tháng, tương tự như Trạm vũ trụ quốc tế ISS.
Các nhà hoạch định chương trình cho biết toàn bộ trạm vũ trụ dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm tới và sẽ hoạt động trong khoảng 15 năm và có thể tồn tại lâu hơn ISS, vốn đang gần hết tuổi thọ hoạt động.
ISS được hỗ trợ bởi Mỹ, Nga, Nhật Bản, Châu Âu, Canada và những nước khác, nhưng không có sự tham gia của Trung Quốc. Một phần lý do bởi sự cảnh giác của Mỹ với việc chia sẻ công nghệ các chương trình bí mật, có liên kết quân sự với Trung Quốc.
Trung Quốc đã "chạm" tới Mặt trăng và sắp tới có thể là sao Hỏa.
Tuy nhiên, chương trình không gian của Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ ổn định kể từ lần đầu tiên đưa một phi hành gia vào quỹ đạo quanh Trái đất vào năm 2003. Một tàu thám hiểm khác của nước này cũng đã đi đến một vùng xa ít được khám phá của Mặt trăng vào năm 2019.
Một tàu vũ trụ khác, Thiên Vấn-1, đang đậu trên quỹ đạo quanh sao Hỏa với kế hoạch sẽ hạ cánh một tàu thám hiểm trên bề mặt của hành tinh đỏ trong những tháng tới. Nếu thành công, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia thứ hai sau Mỹ đưa tàu vũ trụ lên sao Hỏa.
Trung Quốc cũng đang nghiên cứu một chiếc máy bay không gian có thể tái sử dụng và lên kế hoạch cho một sứ mệnh phi hành đoàn trên Mặt trăng và thậm chí xây dựng một cơ sở nghiên cứu lâu dài trên vệ tinh này của Trái đất, mặc dù chưa đề xuất về thời gian.