Mối nguy hiểm tiềm ẩn từ loài mối khổng lồ khi nhiệt độ Trái đất tăng lên
Mối có khả năng mở rộng phạm vi hoạt động, tàn phá nhiều khu vực khi nhiệt độ của Trái đất tăng lên.
Trong một nhà hàng bị lãng quên phía sau trạm xăng ở Sa mạc Red Centre (hay còn gọi là trung tâm đỏ) của Australia, chỉ còn đồ vật bằng kim loại và nhựa là không bị tổn hại.
Khung cửa gỗ mà Chris Cook nắm lấy đã mục nát. Trong khi đó, những tấm ván treo trên trần nhà rơi xuống thành từng mảng.
“Mọi thứ như đang sụp đổ”, ông Cook, người quản lý tại Territory Pest Control - tổ chức cung cấp dịch vụ diệt mối mọt và sinh vật gây hại cho khu dân cư, thương mại - cho biết.
Khung cảnh tàn phá trong nhà hàng Galaxy Auditorium tại Wycliffe Well - trạm dừng chân nhỏ trên đường cao tốc thuộc lãnh thổ Bắc Australia - cũng đang được nhìn thấy ở nhiều nơi trên khắp lục địa, theo Washington Post.
Mastotermes darwiniensis, hay còn được biết tới mối khổng lồ phương bắc, là loài mối lâu đời nhất còn tồn tại. Chúng là những sinh vật sống sót cuối cùng của một loài mà tổ tiên từng chia sẻ không gian với khủng long từ 150 triệu năm trước.
Loài mối này có sức tàn phá và sinh sôi không ngừng. Khi biến đổi khí hậu xảy ra, chúng cũng như những đồng loại khác đang mở rộng phạm vi sinh sống.
Một con mối Mastotermes darwiniensis. (Ảnh: Washington Post).
Xuất hiện ở ngày càng nhiều nơi
Một nghiên cứu được thực hiện trên 6 lục địa và được công bố trên tạp chí Science vào tháng 9 đã tiết lộ "mức độ yêu thích" của loài mối đối với một hành tinh đang nóng lên.
“Phản ứng thực sự đáng ngạc nhiên”, Amy Zanne, giáo sư sinh thái học nhiệt đới tại Đại học Miami và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết.
Bà đã tập hợp hơn 100 nhà khoa học để đặt các khối gỗ tại 133 địa điểm trên khắp thế giới, sau đó đo tốc độ chúng bị mối ăn ở các vùng khí hậu khác nhau.
Nghiên cứu cho thấy mối mọt “phát cuồng” vì nhiệt. Mỗi lần nhiệt độ tăng 10 độ C, “việc khám phá và tiêu thụ gỗ” của chúng tăng gần gấp 7 lần.
“Chúng tôi thấy hoạt động phân hủy của mối gia tăng tới 7 lần (mỗi lần nhiệt độ tăng 10 độ C)", ABC News dẫn lời Alex Cheesman, nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học James Cook ở Cairns.
Loài ở Australia là loài gần gốc nhất trong cây tiến hóa. Còn được gọi là “mastos” hay mối khổng lồ phương bắc, chúng có siêu năng lực sinh sản. Hầu như bất cứ con nào trong đàn cũng đều có thể tự biến mình thành mối chúa sinh sản. Không chỉ vậy, bên cạnh gỗ, chúng ăn cả chì, da, ngà voi và thậm chí cả nhựa đường.
Loài này từ lâu đã gây rắc rối trong cuộc sống của cư dân ở vùng nhiệt đới phía bắc Australia - nơi duy nhất chúng từng được tìm thấy. Nhưng trong hai thập kỷ qua, chúng đã bắt đầu phát triển xa hơn về phía nam.
Theo ông Cook, điều đáng lo ngại nhất là tác động mà chúng có thể gây ra đối với thị trấn chính ở vùng hẻo lánh rộng lớn và biệt lập của Australia: Alice Springs - nơi có dân số 25.000 người, và nằm ngay trên đường “tiến công” của loài mối này.
“Vấn đề giờ đây là khi nào chứ không phải nếu”, ông nói. “Mối sẽ đến đây, và khi đến, chúng sẽ gây ra rất nhiều vấn đề”.
Theo Evans, nhà sinh vật học chuyên nghiên cứu về mối tại Đại học Western Australia, loài mối khổng lồ phương bắc xuất hiện lần đầu tiên cách đây khoảng 20 năm tại thị trấn Ti Tree, cách thành phố Darwin hơn 1287 km về phía nam.
Bây giờ nó là một loài gây hại phổ biến ở đó, gặm nhấm các công trình kiến trúc và khoét rỗng những cây cọ địa phương.
Chris Cook bóc phần gỗ còn sót lại trên khung cửa tại nhà hàng để kiểm tra tình trạng mối mọt. (Ảnh: Washington Post).
Nhiệt độ cực đoan đã bảo vệ các vùng đất khô cằn của Australia trước loài mối này cho đến nay. Giống như loài bò sát, mối không tự tạo ra thân nhiệt mà hấp thụ nhiệt từ môi trường. Vì vậy, ngay cả ở vùng nhiệt đới, khi nhiệt độ xuống dưới 20 độ C, “những con mối này hầu như đã không thể di chuyển được”, Evans nói.
Tuy nhiên, những đêm mùa đông băng giá ở Alice Springs đang ít dần đi. Nhiệt độ trung bình đã tăng khoảng một độ C kể từ năm 1910 và số ngày trên 40 độ C hàng năm đã tăng gấp đôi kể từ năm 1950.
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu
Australia không phải là nơi duy nhất xảy ra tình trạng mối mọt tồi tệ hơn khi Trái đất nóng lên.
Chẳng hạn, theo Evans, những người ở Chicago (Mỹ) từng gặp rất ít vấn đề với mối nhưng họ có thể sẽ bắt đầu đối mặt với hàng loạt khó khăn mới.
Tương tự, “những người ở Toronto (Canada) từng không biết vấn đề mối là gì, có thể bắt đầu gặp phải những vấn đề mà Chicago gặp phải”.
Mô hình hóa vào năm 2017 của các nhà khoa học tại Đại học Purdue và Đại học Lausanne kết luận rằng 12/13 loài mối xâm hại mạnh nhất thế giới có thể tăng đáng kể vào năm 2050, xét về mức độ phân bố, với tốc độ nhiệt độ Trái đất tăng như hiện nay.
Các khu vực bị xâm lấn có thể kéo dài từ Canada đến Patagonia, Phần Lan đến Iran, New Zealand đến Namibia, và thậm chí đến cả Greenland.
Trong khi đó, hai giống mối ở khu vực Floridia đã chứng minh mối đe dọa khác có thể xảy ra khi môi trường sống của các loài bắt đầu trùng lặp: Lai tạo thành “siêu mối có sức tàn phá cao” mới.
Các nhà khoa học của Đại học Florida đã phát hiện ra vào năm 2015 rằng Coptotermes formosanus và Coptotermes gestroi có xu hướng giao phối với nhau trong mùa đông ấm áp. Loài mối mới lớn nhanh gấp đôi so với cha mẹ chúng.
Trong vòng chưa đầy ba năm, những con mối khổng lồ phương bắc đã phá hủy nhà hàng Galaxy Auditorium. (Ảnh: Washington Post).
Mối gây thiệt hại hàng tỷ USD trên toàn cầu mỗi năm. Chúng cũng đóng vai trò quan trọng trong chu trình cacbon.
Khoảng 20 triệu tấn khí metan được phát thải hàng năm, vào lòng đất hoặc khí quyển, từ mối.
Alex Cheesman, nhà khoa học về đất của Đại học James Cook, cho biết sự gia tăng quần thể mối có thể tạo ra một vòng lặp khí hậu đáng lo ngại.
“Thế giới càng trở nên nóng hơn, mối càng có thể phát triển mạnh. Càng nhiều mối phát triển, càng nhiều khí metan có thể được giải phóng vào khí quyển. Càng nhiều khí metan, khí hậu càng trở nên nóng hơn”, ông nói.
Chris Cook đã chia sẻ về việc khí nhà kính ảnh hưởng đến ngành diệt côn trùng, sinh vật gây hại như thế nào.
Vào năm 2022, lần đầu tiên trong lịch sử, miền Nam Australia phải đối mặt với sự bùng phát của căn bệnh nhiệt đới chết người - viêm não Nhật Bản - khi muỗi sinh sôi nảy nở sau đợt lũ lụt mà các nhà khoa học cho rằng đã trở nên trầm trọng hơn do không khí ấm hơn.
Tại Mỹ, bệnh Lyme tiếp tục lan rộng khi bọ ve mang bệnh di chuyển đến các khu vực mới giữa lúc nhiệt độ ấm lên. Tại Anh, rệp đang ăn nhiều loài thực vật hơn do mùa xuân nóng hơn khiến chúng đẻ trứng sớm hơn.
“Biến đổi khí hậu thực sự tốt cho ngành công nghiệp của chúng tôi”, ông Cook nói đùa. “Có nhiều gián hơn, nhiều chuột hơn, và nhiều sinh vật gây hại hơn”.
Tuy nhiên, bất chấp điều đó, viết trên Bloomberg, nhà báo chuyên về lĩnh vực quan hệ quốc tế và năng lượng Javier Blas nhận định độ tin cậy của những cam kết chống biến đổi khí hậu nhiều khả năng sẽ sụt giảm khi cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng diễn biến phức tạp trong năm 2023.