Mỹ không tìm thấy bằng chứng tổn thương não do "Hội chứng Havana"
Hội chứng Havana được cho là do âm thanh xâm nhập và gây áp lực dẫn đến những vấn đề sức khỏe bất thường, với các triệu chứng điển hình là đau nửa đầu, buồn nôn, chảy máu cam, suy giảm trí nhớ...
Các nhà khoa học thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) không tìm thấy bằng chứng đáng kể nào về chấn thương não trong các trường hợp được gọi là "Hội chứng Havana" được ghi nhận từ năm 2015.
Trên đây là kết quả một nghiên cứu được công bố ngày 18/3 trên tạp chí chuyên ngành của Hiệp hội Y khoa Mỹ.
(Ảnh minh họa: Getty).
Theo phóng viên tại châu Mỹ, báo cáo nghiên cứu nêu rõ: “Trong nghiên cứu thăm dò này, không có sự khác biệt đáng kể giữa những người ghi nhận các sự cố sức khỏe bất thường và những người tham gia đối chứng phù hợp về hầu hết các biện pháp lâm sàng, nghiên cứu và dấu ấn sinh học, ngoại trừ các biện pháp khách quan và tự báo cáo về các triệu chứng như chóng mặt, mệt mỏi, sang chấn tâm lý và trầm cảm”.
Chính phủ Mỹ đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc các triệu chứng được gọi là “Hội chứng Havana” từ năm 2015.
Căn bệnh này được cho là do âm thanh xâm nhập và gây áp lực dẫn đến những vấn đề sức khỏe bất thường, với các triệu chứng điển hình là đau nửa đầu, buồn nôn, chảy máu cam, suy giảm trí nhớ, chóng mặt, đau đớn, các vấn đề về thị giác và rối loạn chức năng nhận thức.
Các nhà chức trách Mỹ đã loại trừ khả năng cái gọi là “hội chứng Havana” là kết quả của một chiến dịch do một chính phủ nước ngoài tiến hành, trái ngược với những suy đoán trong các báo cáo trước đây.
Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 6/2018 đến tháng 7/2022 đối với 86 quan chức chính phủ Mỹ và người thân ở Áo, Trung Quốc và Cuba.
Tham gia với vai trò đối chứng gồm 30 người cũng làm việc tại những nơi ghi nhận sự cố nhưng chưa nhận thấy vấn đề về sức khỏe.
Những người này đã trải qua một loạt các xét nghiệm lâm sàng, thính giác, thăng bằng, thị giác, tâm lý thần kinh và máu, cũng như các dấu ấn sinh học và chụp cộng hưởng từ (MRI) để điều tra thể tích, cấu trúc và chức năng của não.
Theo bác sỹ Leighton Chan, chuyên gia nghiên cứu khoa học của Trung tâm Lâm sàng thuộc NIH và là tác giả chính của một trong những nghiên cứu được công bố về chủ đề này, nhóm nghiên cứu không xác định được sự khác biệt đáng kể ở những người tham gia gặp sự cố sức khỏe bất thường và nhóm đối chứng.
Bác sỹ Leighton Chan cho biết các triệu chứng nêu trên là có thực, gây gián đoạn cuộc sống của những người bị ảnh hưởng và có thể kéo dài, thậm chí dẫn đến tàn tật, tuy nhiên nếu các triệu chứng là do hiện tượng bên ngoài nào đó gây ra thì không thể dẫn đến những thay đổi sinh lý và bệnh lý dai dẳng như vậy.
“Hội chứng Havana” là nguyên nhân Mỹ giảm số nhân viên tại cơ quan ngoại giao của nước này ở thủ đô La Habana của Cuba xuống mức tối thiểu vào năm 2017, mặc dù chính phủ sở tại đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc thực hiện “cuộc tấn công sóng âm” hay bất kỳ hành động nào khác tương tự gây nên căn bệnh bí ẩn này.
Nhiều nhà ngoại giao Mỹ ở Nga, Tajikistan, Áo và một số nước châu Phi cũng báo cáo các triệu chứng tương tự, bao gồm buồn nôn và chóng mặt.
Khoảng 1.500 trường hợp mắc "Hội chứng Havana" đã được các cơ quan Chính phủ Mỹ báo cáo trong thời gian qua.
Bảy trong tổng số 18 cơ quan tình báo Mỹ đã tham gia điều tra hội chứng này trong hai năm ở hơn 90 quốc gia, bao gồm cả Mỹ, nhưng không tìm thấy bằng chứng đáng tin cậy nào cho thấy có sự tồn tại của “vũ khí hoặc thiết bị” có thể gây ra các triệu chứng như vậy.