Nghiên cứu hồ nước gần tâm chấn của vụ nổ bí ẩn 113 năm trước
Các nhà nghiên cứu Nga dự định lặn sâu khoảng 30 m để thám hiểm hồ Cheko, nơi được cho là hố va chạm của một thiên thạch.
Các nhà khoa học Nga sẽ tới khu bảo tồn thiên nhiên Tunguska xa xôi ở Krasnoyarsk, Trung Siberia, cuối tháng 2, theo Siberian Times. Nhóm nghiên cứu gồm 4 thành viên được cấp phép lặn sâu dưới 30m. Đây là nghiên cứu đầu tiên được tiến hành ở độ sâu như vậy tại hồ Cheko, Tunguska. Chuyến thám hiểm sẽ khởi đầu cho một chu kỳ nghiên cứu dài hạn, theo Evgenia Karnoukhova, chuyên gia tại khu bảo tồn Tunguska.
Hồ Cheko ở Siberia, Nga. (Ảnh: Evgenia Karnoukhova)
"Hồ Cheko sâu 54m. Nhóm nghiên cứu đặt mục tiêu tìm hiểu độ dày của trầm tích ở đáy hồ và thu thập các mẫu nguyên thủy. Dữ liệu mà họ thu thập sẽ được phân tích và gửi cho các nhà địa chất. Chúng tôi chưa nói đến việc tìm kiếm bất cứ thiên thể nào vào giai đoạn này", Evgenia cho biết.
Vụ nổ Tunguska năm 1908 đến nay vẫn gây ra nhiều tranh luận trong giới khoa học. Sự kiện đã san phẳng vùng đất rộng 2.150km2 với khoảng 80 triệu cây. Một số nhân chứng cho biết, họ đã nhìn thấy một quả cầu lửa sáng rực di chuyển trên bầu trời.
Năm 1927, nhà khoáng vật người Nga Leonid Kulik dẫn đoàn thám hiểm Nga đầu tiên tới điều tra sự kiện Tunguska. Tuy nhiên, chuyến thám hiểm cũng không tìm thấy hố va chạm của thiên thạch hay vật chất ngoài hành tinh.
Năm 2012, nhóm nghiên cứu từ Đại học Bologna, Italy, của chuyên gia Luca Gasperini cho rằng hồ Cheko với đường kính 500 m và hình dạng giống chiếc bát là hố va chạm. Hồ nước này nằm cách tâm chấn theo giả thuyết khoảng 8 km. Trước đó, nó không được đánh dấu trên bản đồ. Các phép đo địa chấn ở đáy hồ cho thấy trầm tích được tích tụ trong khoảng một thế kỷ và độ sâu của hồ cũng lớn hơn mức thông thường ở khu vực này.
Nhóm nghiên cứu kết luận, có vật chất đá dày đặc bên dưới đáy hồ và cả lớp trầm tích là tàn dư của thiên thạch phát nổ. Họ báo cáo rằng dữ liệu phản xạ địa chấn và từ trường cho thấy một điểm bất thường gần trung tâm hồ, ở độ sâu chưa đến 10 m bên dưới đáy hồ. Sự bất thường này phù hợp với việc có một vật thể bằng đá bị vùi lấp và củng cố cho giả thuyết Cheko là hồ nước hình thành từ hố va chạm.
Tuy nhiên, năm 2017, một nhóm nhà khoa học từ Krasnoyarsk và Novosibirsk, Nga, phản đối giả thuyết này. Họ cho rằng khu vực trên chưa được lập bản đồ đầy đủ nên chuyện hồ Cheko không xuất hiện trong các bản đồ cũ không lạ.
Nhóm chuyên gia đánh giá niên đại bằng cách nghiên cứu trầm tích đáy hồ, tiến hành phân tích địa hóa và sinh hóa. Đồng nghiệp của họ từ Viện Địa chất và Khoáng vật học thuộc Chi nhánh Siberia của Viện hàn lâm Khoa học Nga (RAS) hoàn thành phân tích phóng xạ của các mẫu lõi khoan.
Mẫu sâu nhất họ thu được có niên đại khoảng 280 năm. Như vậy, hồ Cheko có vẻ trẻ xét về mặt địa chất, nhưng không đủ trẻ để là hố va chạm trong sự kiện Tunguska. Ngoài ra, khu bảo tồn Tunguska cũng chứa những hồ nước khác tương đối tròn và sâu giống hồ Cheko và có thể có cùng nguồn gốc địa chất.