Nhà vệ sinh có thể lây lan bệnh Legionnaires
Căn bệnh Legionnaires có khả năng lây lan khi bạn xả bồn cầu, phát tán những “chùm” nước ô nhiễm vô hình vào không khí.
Theo báo cáo được công bố vào tháng 6/2020, trên tạp chí Bệnh Truyền nhiễm Mới nổi, mô tả trường hợp của hai bệnh nhân ở Pháp có khả năng mắc bệnh Legionnaires do hít phải các hạt khí vốn là nước ô nhiễm trong quá trình xả bồn cầu. Trước đó, các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng các luồng nước từ nhà vệ sinh có thể lây lan bệnh Legionnaires, nhưng đây là lần đầu tiên có một phân tích di truyền liên kết sự nhiễm bệnh với nước vệ sinh bị ô nhiễm.
Bệnh Legionnaires được lây lan do hít phải các hạt khí vốn là nước ô nhiễm trong quá trình xả bồn cầu.
"Nước từ bồn vệ sinh có thể là nguồn lây bệnh", tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Jeanne Couturier, nhà y sinh học tại Bệnh viện Saint-Antoine ở Paris cho biết. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), Legionnaires là một bệnh nhiễm trùng phổi hoặc viêm phổi nghiêm trọng do vi khuẩn Legionella gây ra. Vi khuẩn sống trong môi trường nước và gây hại cho sức khỏe khi chúng phát triển và lan rộng trong các hệ thống nước, như tháp giải nhiệt, bồn nước nóng, vòi hoa sen, vòi rửa chén và vòi phun nước.
Chúng ta có thể bị nhiễm bệnh khi hít phải những giọt nước trong không khí (trong hơi hoặc sương) có chứa vi khuẩn. Bệnh thường không lây từ người sang người. Theo CDC, nhiều người tiếp xúc với vi khuẩn Legionella sẽ không bị bệnh, nhưng những người có nguy cơ mắc bệnh cao bao gồm người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu hoặc bệnh phổi mãn tính. Hai bệnh nhân trong báo cáo mới đều có hệ thống miễn dịch yếu. Người thứ nhất là một thanh niên 18 tuổi được ghép tủy xương và đang dùng thuốc ức chế miễn dịch. Người thứ hai là một người đàn ông 51 tuổi nhập viện để điều trị ung thư hạch Hodgkin, một loại ung thư hệ thống miễn dịch.
Các bệnh nhân đã mắc bệnh Legionnaires khi ở trong bệnh viện hoặc ngay sau khi được xuất viện, và do đó, căn bệnh của họ được xác định là có khả năng đến từ hệ thống y tế. Cả hai bệnh nhân đã hồi phục sau khi được điều trị bằng kháng sinh. Một cuộc điều tra về nguồn gốc nhiễm trùng đã tìm thấy vi khuẩn Legionella trong nước bồn cầu phòng bệnh, nhưng không có trong vòi hoa sen hay bồn rửa trong phòng. Phân tích di truyền cho thấy, các chủng vi khuẩn trong nước bồn cầu đều giống hoặc liên quan chặt chẽ với các chủng gây bệnh cho bệnh nhân. Không có nguồn lây nhiễm tiềm năng nào khác được xác định.
Để xem liệu đây có phải là một vấn đề phổ biến hay không, các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu từ 29 nhà vệ sinh ở 5 tòa nhà bệnh viện khác nhau, nhưng không có kết quả dương tính nào với Legionella, cho thấy cách thức và đường lây nhiễm này hiếm khi xảy ra. Nhà vệ sinh bị ô nhiễm đã được khử trùng hàng ngày bằng thuốc tẩy và biện pháp chứng tỏ hiệu quả trong việc ngăn chặn sự phát triển của Legionella. Sẽ không có thêm mẫu nào từ nhà vệ sinh cho kết quả thử nghiệm dương tính trong năm rưỡi tới.
Một cách khác để ngăn chặn sự lây nhiễm tiềm năng của Legionella thông qua các sol khí được tạo ra khi xả nước là đóng nắp bồn cầu trước khi xả. TS Jeanne Couturier cho biết: "Có vẻ việc giáo dục bệnh nhân đóng nắp bồn cầu trước khi xả nước, đặc biệt là bệnh nhân bị ức chế miễn dịch hoặc bệnh nhân có nhiều bệnh kèm theo, những người có nguy cơ dễ mắc bệnh Legionnaires sẽ rất quan trọng".
Các phát hiện cũng gợi ý cho các đội điều tra trường hợp mắc bệnh Legionnaires trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe rằng nên coi việc xả nước trong nhà vệ sinh là một phương thức lây truyền và kiểm tra nhiễm khuẩn ở các mẫu nước bồn cầu nếu các nguồn nhiễm Legionella phổ biến khác như vòi hoa sen và vòi rửa tay sạch.
Để xác nhận rằng việc xả bồn cầu có thể truyền bệnh Legionnaires, các nhà khoa học sẽ cần tiến hành các nghiên cứu thử nghiệm trong môi trường phòng thí nghiệm có kiểm soát.