Những bức ảnh tuyệt đẹp về mặt trăng lớn nhất Hệ Mặt trời
Daily Mail ngày 15-7 cho biết những bức ảnh trên được tàu Juno chụp trước và sau khi thực hiện chuyến bay thứ 34 tới sao Mộc.
Những bức ảnh tuyệt đẹp về Ganymede - mặt trăng lớn nhất trong Hệ Mặt trời - được chụp vào ngày 7-6 khi tàu Juno bay gần nó hơn bất kỳ tàu vũ trụ nào khác kể từ năm 2000.
Một số bức ảnh cho thấy các vùng sáng và vùng tối của mặt trăng, được cho là kết quả của quá trình băng biến đổi thành hơi nước. Một số bức ảnh chụp miệng núi lửa Tros, một trong những miệng núi lửa lớn và sáng nhất trên Ganymede.
Những bức ảnh tuyệt đẹp về mặt trăng Ganymede. (Ảnh: NASA).
Các vùng sáng và vùng tối của Ganymede. (Ảnh: NASA)
Người xem cũng có thể nhìn thấy các cơn lốc xoáy trên bề mặt sao Mộc và "chuỗi ngọc trai" - gồm 8 cơn bão lớn quay ngược chiều kim đồng hồ xuất hiện dưới dạng hình bầu dục màu trắng. Tất cả giúp chúng ta hình dung cụ thể về Ganymede - được hình thành cách đây khoảng 4,5 tỉ năm, cùng thời với sao Mộc - và là vật thể lớn thứ chín trong Hệ Mặt trời.
Ganymede là mặt trăng duy nhất có từ trường riêng, tạo ra cực quang.
Nhà nghiên cứu của NASA Scott Bolton chia sẻ: "Những bức ảnh động cho thấy chuyến thám hiểm không gian sâu đẹp đến mức nào. Đây là một cách để chúng ta khám phá Hệ Mặt trời bằng cách xem nó sẽ như thế nào khi quay quanh sao Mộc".
Ganymede được hình thành cách đây khoảng 4,5 tỉ năm, cùng thời với sao Mộc. (Ảnh: NASA)
Hình ảnh phía trên bề mặt sao Mộc. (Ảnh: NASA)
Các cơn lốc xoáy trên bề mặt sao Mộc do tàu Juno chụp. (Ảnh: NASA).
"Chuỗi ngọc trai" gồm 8 cơn bão lớn quay ngược chiều kim đồng hồ xuất hiện dưới dạng hình bầu dục màu trắng. (Ảnh: NASA).
Chuyến thám hiểm sao Mộc thứ 35 dự kiến diễn ra vào ngày 21-7 tới.
Tàu Juno bắt đầu cuộc hành trình kéo dài 5 năm tới sao Mộc từ ngày 4-8-2011 và đến đích vào ngày 4/7/2016.
Mục tiêu của tàu thăm dò trị giá 1,1 tỉ USD này là tìm hiểu nguồn gốc và sự tiến hóa của sao Mộc, tìm kiếm lõi hành tinh rắn, lập bản đồ từ trường, đo nước và amoniac trong bầu khí quyển sâu và quan sát cực quang.
Tàu Juno gần đây cũng giải quyết được bí ẩn 40 năm về cách sao Mộc tạo ra một vụ nổ tia X ngoạn mục sau mỗi vài phút. Bí ẩn được giải đáp trong một nghiên cứu mới của các chuyên gia đến từ Trường ĐH London (Anh).