Những sự kiện thiên văn không thể bỏ lỡ năm 2020
Năm 2020, thiên nhiên không làm những người yêu thích bầu trời thất vọng bởi có rất nhiều tiêu điểm quan sát không thể bỏ qua.
Như vậy là chúng ta đã kết thúc một năm cũ, một·thập niên cũ với rất nhiều sự kiện thiên văn thú vị để bước sang một năm mới, một thập niên mới. Trong năm 2020 này, thiên nhiên vẫn không làm những người yêu thích bầu trời thất vọng bởi vẫn còn đó vô số tiêu điểm quan sát không thể bỏ qua.
Nổi bật trong năm nay, chúng ta có 3 lần nguyệt thực, 1 lần nhật thực, 1 lần giao hội hành tinh cực hiếm, 3 cơn mưa sao băng lớn cùng rất nhiều sự kiện quan sát khác. Hãy cùng điểm qua những sự kiện nổi bật trong năm mới này nhé.
04/01: Mưa sao băng Quadrantid
Cứ như thường lệ vào mọi năm, bầu trời những ngày đầu tháng 1 luôn rất đẹp bởi sự xuất hiện của cơn mưa sao băng Quadrantid. Đây là một trong ba cơn mưa sao băng lớn và đáng quan sát nhất trong năm, với lượng sao băng mỗi giờ có thể đạt từ 60 đến 200 vệt.
Tâm điểm của mưa sao băng Quadrantid gần nhóm sao Bắc Đẩu. (Đồ họa: Stellarium/Ftvh – Vũ trụ trong tầm tay).
Mưa sao băng Quadrantid năm 2020 sẽ đạt cực đại vào rạng sáng ngày 4 tháng 1. Năm nay, Mặt Trăng đã lặn từ trước nửa đêm, để lại cho bạn một bầu trời thật tối để quan sát mưa sao băng.
Để ngắm mưa sao băng Quadrantid, hãy nhìn về bầu trời hướng đông từ sau nửa đêm, nơi khu vực nhóm sao Bắc Đẩu của chòm sao Ursa Major.
11/01, 05/06, 30/11: Nguyệt thực nửa tối
Nguyệt thực nửa tối. (Ảnh: David Dickinson).
Trong năm 2020 này, người dân Việt Nam có thể quan sát đến 3 lần nguyệt thực nửa tối, lần lượt vào ngày 11 tháng 1, ngày 6 tháng 6 và ngày 30 tháng 11.
Nguyệt thực nửa tối xảy ra khi Mặt Trăng đi vào vùng nửa tối của Trái Đất, khiến nó trở nên tối hơn so với lúc bình thường. Nguyệt thực nửa tối không làm bề mặt Mặt Trăng biến thành màu đỏ như các kiểu nguyệt thực khác.
Sau đây là bảng thời gian chi tiết 3 lần nguyệt thực nửa tối quan sát từ Việt Nam trong năm 2020.
24/03, 13/08: Quan sát sao Kim tốt nhất
Nếu không tính Mặt Trời và Mặt Trăng, thì Sao Kim là vật thể tự nhiên sáng nhất trên bầu trời. Trong năm 2020, chúng ta sẽ có hai lần quan sát tốt nhất hành tinh này.
Buổi chiều ngày 24 tháng 3, Sao Kim sẽ xuất hiện rực rỡ trên bầu trời hoàng hôn hướng tây cho đến sau 20 giờ.
Sao Kim trên bầu trời buổi chiều 24/03/2020. Đồ họa: Stellarium/Ftvh – (Vũ trụ trong tầm tay).
Ngày 13 tháng 8, từ sau 2 giờ rưỡi sáng, chúng ta đã thấy được hành tinh này xuất hiện ở bầu trời hướng đông rồi chiếm ngự vùng trời đó cho đến sáng.
Sao Kim trên bầu trời rạng sáng 13/08/2020. (Đồ họa: Stellarium/Ftvh – Vũ trụ trong tầm tay).
Ngoài lý do Sao Kim là hành tinh nằm gần Trái Đất nhất, hành tinh này có thể sáng đến thế là vì những đám mây dày trong khí quyển của nó phản xạ đến 70% ánh sáng Mặt Trời nhận được.
06/05: Mưa sao băng Eta Aquarid
Hãy chào đón mùa hè bằng một cơn mưa sao băng nổi bật khác. Mưa sao băng Eta Aquarid với khoảng 50 sao băng mỗi giờ vào lúc cực điểm, sẽ khiến một đêm thức trắng của bạn trở nên đáng giá.
Tâm điểm của mưa sao băng Eta Aquarid trong chòm sao Aquarius (Bảo Bình/Người mang nước). (Đồ họa: Stellarium/Ftvh – Vũ trụ trong tầm tay).
Để quan sát cơn mưa sao băng này, hãy nhìn về bầu trời hướng đông từ sau nửa đêm nơi chòm sao Aquarius. Đêm hôm đó có sự xuất hiện của Mặt Trăng gần tròn, sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến buổi quan sát của bạn.
21/06: Nhật thực hình khuyên (Việt Nam quan sát Nhật thực một phần)
Vào đúng ngày Hạ chí, bán cầu đông sẽ được theo dõi Nhật thực hình khuyên mở đầu của thập niên mới.
Việt Nam sẽ quan sát được lần nhật thực này nhưng chỉ với một phần nhỏ. Thế nhưng, nếu bạn sinh sống tại Trung Quốc hay Ấn Độ, đây chắc hẳn là một sự kiện không thể bỏ lỡ.
14/07, 20/07: Quan sát sao Mộc, sao Thổ tốt nhất
Tháng 7 năm nay, chúng ta sẽ quan sát được cùng lúc hai hành tinh khí khổng lồ. Sao Mộc là hành tinh sáng thứ hai trên bầu trời chỉ xếp sau sao Kim. Trong khi đó, sao Thổ với hệ thống vành đai đẹp tuyệt vời dễ dàng thu hút được mọi ánh nhìn.
Sao Mộc, Sao Thổ cùng Sao Kim trên bầu trời Mũi Santiago, tỉnh Batangas, Philippines. (Ảnh: JV Noriega).
Ngày 14 tháng 7, Sao Mộc sẽ nằm thẳng hàng và đối diện với Trái Đất cùng Mặt Trời. Hành tinh này sẽ sáng nhất để chúng ta quan sát nó tốt nhất trong năm.
Ngay sau đó một tuần, ngày 20 tháng 7, đến lượt Sao Thổ nằm ở vị trí tương tự và đó là lúc ta được quan sát hành tinh này tốt nhất.
Bầu trời đêm tháng 7 năm 2020 là sàn diễn cho cả hai hành tinh lớn nhất Hệ Mặt Trời. (Đồ họa: Stellarium/Ftvh – Vũ trụ trong tầm tay).
Trong suốt các buổi tối tháng 7, bạn sẽ thấy hai hành tinh này là hai chấm sáng nằm gần nhau trên bầu trời. Hãy sử dụng kính thiên văn để quan sát cận mặt hai hành tinh lớn nhất trong Hệ Mặt Trời của chúng ta.
13/08: Mưa sao băng Perseid
Mùa thu đến mang tới cho chúng ta một trong ba cơn mưa sao băng đáng quan sát nhất trong năm. Perseid là cơn mưa sao băng lớn với lượng sao băng mỗi giờ có thể đạt đến 100 vệt vào lúc cực điểm.
Ảnh phơi sáng thời gian dài ghi lại cảnh mưa sao băng Perseid ở Núi Shasta. Ảnh: Brad Goldpaint (Goldpaint Photography).
Để quan sát cơn mưa sao băng này, hãy nhìn về bầu trời hướng đông từ sau nửa đêm ngày 13 tháng 8 ở khu vực chòm sao Perseus. Mặt Trăng cuối tháng sẽ xuất hiện cùng lúc với thời điểm diễn ra mưa sao băng, ít nhiều quấy rầy đến buổi quan sát của bạn.
Mưa sao băng Perseid năm 2020 có sự xuất hiện của ánh sáng trăng phá bĩnh. (Đồ họa: Stellarium/Ftvh – Vũ trụ trong tầm tay).
13/10: Quan sát sao Hỏa tốt nhất
Sao Hỏa là hành tinh nằm gần Trái Đất thứ hai, chỉ xếp sau Sao Kim. Tháng 10 này, chúng ta sẽ có cơ hội ngắm nhìn nó rõ ràng nhất. Hành tinh này không quá sáng nhưng nó có một màu đỏ đặc trưng, giúp ta dễ nhận thấy trên bầu trời.
Đừng bỏ lỡ cuộc hẹn với Sao Hỏa vào tháng 10 năm 2020. (Đồ họa: Stellarium/Ftvh – Vũ trụ trong tầm tay).
Hãy nhìn lên bầu trời hướng đông lúc trời vừa tối vào ngày 13 tháng 10, một chấm sáng màu đỏ sậm sẽ hút lấy ánh nhìn của bạn. Thử quan sát hành tinh này qua một chiếc kính thiên văn cỡ vừa, bạn sẽ được mục sở thị bề mặt hành tinh đầy bụi bẩn màu đỏ cam này.
14/12: Mưa sao băng Geminid
Còn gì tuyệt vời hơn khi năm cũ kết thúc bằng một trận mưa sao băng lớn.
Mưa sao băng Geminid trên bầu trời Núi lửa Taftan, đông nam Iran. (Ảnh: Arman Golestaneh).
Mưa sao băng Geminid là một trong ba cơn mưa sao băng đáng quan sát nhất trong năm, với lượng sao băng mỗi giờ lúc đạt cực đại có thể đạt từ 100 đến 150 vệt.
Geminid là cơn mưa sao băng lớn “chốt sổ” năm 2020. (Đồ họa: Stellarium/Ftvh – Vũ trụ trong tầm tay).
Để quan sát cơn mưa sao băng này, hãy nhìn về bầu trời hướng đông từ sau nửa đêm ngày 14 tháng 12 ở khu vực chòm sao Gemini (Song Tử). Thật tuyệt vời vì năm nay không có sự xuất hiện của ánh trăng quấy rối, bạn có thể hết mình với cơn mưa sao băng Geminid năm 2020.
21/12: Đại giao hội cực hiếm giữa sao Mộc và sao Thổ
Sự kiện thiên văn đáng chú ý nhất trong năm cũng là sự kiện diễn ra vào cuối năm. Sao Mộc và Sao Thổ sau thời gian dài chạy đua với nhau, cuối cùng đã đến thật gần với nhau vào tối ngày 21 tháng 12.
Hãy sử dụng kính thiên văn để thấy rõ ràng hơn cả hai hành tinh này vào tối 21/12/2020. (Đồ họa: Stellarium/Ftvh – Vũ trụ trong tầm tay).
Vào buổi tối đó, Sao Mộc và Sao Thổ sẽ nằm trên cùng một đường thẳng với Trái Đất. Chúng ta sẽ quan sát được cả hai nằm cách nhau chỉ 7 cung phút, nghĩa là gần như nhập lại làm một với nhau.
Sự kiện tương tự diễn ra lần trước là vào năm 2000, tức là đã 20 năm ta mới có thể quan sát lại và lần tiếp theo là vào 20 năm tới.