Những thói quen tưởng vô hại nhưng phá hỏng giấc ngủ của bạn
Những thói quen xấu có thể gây ra hiệu ứng domino, khiến bạn mệt mỏi cả ngày hôm sau và những ngày tiếp theo, như thể bị mắc kẹt trong trạng thái buồn ngủ triền miên.
Top 8 thói quen phổ biến ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ của chúng ta
Một đêm ngủ không ngon có thể ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt trong cuộc sống. Nhưng liệu những thói quen tưởng chừng vô hại trước khi đi ngủ có đang khiến việc nghỉ ngơi của bạn trở nên khó khăn hơn?
Thói quen trước khi ngủ không chỉ ảnh hưởng đến tốc độ chìm vào giấc ngủ mà còn tác động đến chất lượng giấc ngủ. Những thói quen xấu có thể gây ra hiệu ứng domino, khiến bạn mệt mỏi cả ngày hôm sau và những ngày tiếp theo, như thể bị mắc kẹt trong trạng thái buồn ngủ triền miên.
Thói quen trước khi ngủ tác động trực tiếp đến chất lượng giấc ngủ. (Ảnh: Getty Images).
Ăn vặt vào ban đêm
Dù việc chọn đồ ăn nhẹ có các dưỡng chất phù hợp có thể có lợi trước khi đi ngủ, bạn nên tránh ăn những bữa quá no. Không chỉ gây khó chịu về tiêu hóa, việc tiêu hóa nhiều thức ăn trước khi ngủ còn làm tăng thân nhiệt.
Vì nhiệt độ cơ thể thường giảm khi đến giờ đi ngủ, việc tăng thân nhiệt khiến não bộ bối rối, không biết có nên nghỉ ngơi hay không. Bạn cũng nên tránh thức ăn nhiều chất béo và trái cây có tính acid, vì chúng làm tăng acid trong dạ dày, gây ợ nóng và khó tiêu.
Nghiện cà phê
Hầu hết chúng ta đều biết nên tránh cà phê trước giờ đi ngủ, nhưng bạn có thể đang vô tình phá hỏng giấc ngủ của mình do các nguồn caffeine ẩn. Nước tăng lực, nước ngọt có ga, sô-cô-la đen và một số loại thuốc đều có thể chứa hàm lượng caffeine khá cao.
Giảm lượng caffeine nạp vào và đảm bảo uống xong từ đủ sớm trong ngày có thể cải thiện giấc ngủ. Tuy nhiên, hãy nhớ giảm dần dần vì việc cắt đột ngột có thể gây đau đầu và mất ngủ.
Dùng rượu bia để dễ ngủ
Nhiều người lầm tưởng rằng rượu, bia giúp dễ ngủ hơn. Thực tế, rượu, bia có hại cho giấc ngủ - chất lượng giấc ngủ sẽ kém đi, khiến bạn mất đi giấc ngủ sâu vốn giúp phục hồi tinh thần và cơ thể.
Ngủ ngày
Ai cũng thích chợp mắt một lát, nhưng giấc ngủ ngày nên giới hạn trong khoảng 20 phút để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ đêm. Điều quan trọng cần nhớ là ngủ trưa chỉ nên là nhu cầu thỉnh thoảng, không nên dùng để thay thế thường xuyên cho một đêm ngủ ngon.
Lướt điện thoại
Dù rất muốn lướt điện thoại hay xem tivi khi nằm trên giường nhưng ánh sáng xanh từ các thiết bị này có thể cản trở việc chìm vào giấc ngủ vì nó ảnh hưởng đến việc sản xuất hormone ngủ.
Điều này không chỉ khiến bạn khó ngủ mà còn khiến bạn cảm thấy uể oải vào sáng hôm sau - đồng nghĩa với việc các thiết bị điện tử chúng ta vẫn thường dùng có thể góp phần gây ra tình trạng mệt mỏi do thiếu ngủ.
Tập thể dục cường độ cao
Tập thể dục ban ngày có lợi cho giấc ngủ, nhưng tập luyện cường độ cao quá gần giờ đi ngủ có thể gây tác dụng ngược. Việc vận động quá sức vào cuối ngày có thể khiến cơ thể và tâm trí tỉnh táo, khiến việc chìm vào giấc ngủ trở nên khó khăn hơn.
Kích thích não bộ
Trong xã hội ngày càng bận rộn, việc phân định ranh giới giữa các phần trong cuộc sống ngày càng khó khăn. Để bảo vệ giấc ngủ, hãy cố gắng tạo thói quen không kiểm tra email công việc hay xử lý danh sách công việc vào cuối buổi tối.
Tương tự, xem tin tức buồn, phim hành động gay cấn hay nghe nhạc sôi động đều có thể làm tăng adrenaline và ảnh hưởng đến giấc ngủ. Nếu bạn khó ngủ, hãy cố gắng tránh các hoạt động gây căng thẳng hoặc kích thích sau một giờ nhất định và tập trung vào thư giãn.
Ánh sáng quá mạnh
Việc giảm độ sáng vào buổi tối là cách tuyệt vời để báo hiệu cho não bộ rằng chúng ta đã sẵn sàng nghỉ ngơi. Nó làm tăng mức hormone ngủ melatonin quan trọng, trong khi ánh sáng mạnh có tác dụng ngược lại, khiến não bộ tỉnh táo.