Tại sao bàn bi-da thường có màu xanh lá hay xanh lam?
Sự thật rất thú vị, nó vừa liên quan đến nguồn gốc của trò chơi này lẫn hạn chế của truyền hình khi xưa.
Tại sao mặt bàn bi-da (billiards) có màu xanh lá?
Pool, snooker, carom... đều có nguồn gốc từ các trò chơi trên sân cỏ cách đây hơn 600 năm.
Màu xanh lá khiến bạn liên tưởng đến điều gì? Là sân cỏ! Thật vậy, pool, snooker, carom hay các trò chơi dùng gậy và bi cái (cue games) nói chung ngày nay đều có nguồn gốc từ các trò chơi trên sân cỏ (lawn games) cách đây hơn 600 năm. Cái tên bi-da (billiards) được cho là bắt nguồn từ một từ tiếng Pháp là billart hay billette - nghĩa là cây gậy hoặc bille - nghĩa là quả bóng. Trò chơi được xem là bi-da ngày nay hình thành vào khoảng những năm 1340 và ban đầu được chơi ngoài trời, trên sân cỏ, khá giống trò croquet - một trò chơi dùng búa đánh bóng qua cổng. Sau đó, vua Louis XI (1461 - 1483) của Pháp đã đưa bi-da vào nhà và ông cũng là người đầu tiên có bàn bi-da. Ông tiếp tục cải tiến và phổ biến trò chơi này và nó nhanh chóng lan rộng trong giới quý tộc Pháp.
Những người quý tộc vào thế kỷ 17 chơi bi-da lỗ trên bàn màu xanh lá.
Vào những năm 1600, phiên bản bi-da trên sân cỏ biến mất, bàn bi-da chơi trong nhà rất phổ biến tại Anh và Pháp. Chính vì nguồn gốc là một môn chơi trên sân cỏ nên người ta đã làm bàn bi-da với vải phủ bàn màu xanh lá để giống với phiên bản đầu tiên. Trong hình trên, bạn có thể thấy những người quý tộc vào thế kỷ 17 chơi bi-da lỗ trên bàn màu xanh lá nhưng với một cây gậy trông giống như gậy đánh golf thay vì cây cơ thẳng như ngày nay. Cơ bi-da thẳng, chuốt hơi nhọn và mượt được phát minh vào khoảng năm 1800.
Màu sắc bàn snooker được quy định là xanh lá nhằm tạo ra sự tương phản mạnh với màu đỏ của bi.
Riêng với bộ môn snooker màu sắc của bàn bi-da luôn là xanh lá. Màu sắc này được quy định từ năm 1871, trước đó thì các bàn bi-da snooker được làm nhiều màu, thường là cam. Trong điều kiện thiếu sáng thì màu sắc này khiến cơ thủ rất khó để quan sát chuyển động chính xác của bi trên mặt bàn từ đó dẫn đến những tranh cãi giữa các người chơi. Và rồi chuyện xảy ra khi một thủy thủ tên Arthur Terry đã thượng cẳng chân hạ cẳng tay với đối thủ trên bàn bi-da của mình là Riland Metcalfe sau khi tranh cãi về đường đi của bi. Terry sau đó bị kết tội nhưng được phép rời tòa mà không bị phạt vì theo quan điểm của thẩm phán "Terry không có lỗi hoàn toàn, màu sắc của bàn bi-da có một phần lỗi". Màu sắc bàn snooker được quy định là xanh lá nhằm tạo ra sự tương phản mạnh với màu đỏ của bi.
Vậy tại sao vẫn có bàn bi-da màu xanh lam?
Bàn bi-da màu xanh lam vẫn được sử dụng trong giải US Open Pool Championship đến nay.
Màu xanh này còn được gọi là "xanh giải đấu" hay "xanh TV" và nó xuất hiện từ những năm 1970. Lúc đó khi giải U.S. Open Pocket Billiards Championship lần đầu lên sóng truyền hình, màu xanh lá của bàn bi-da khiến các bi trên bàn khó thấy hơn trên màn hình TV. Vì vậy, màu xanh lá được chuyển sang xanh lam, cho phép người xem truyền hình theo dõi trận đấu dễ dàng hơn và giảm mỏi mắt do màu xanh lục sáng gây ra. Bàn bi-da màu xanh lam vẫn được sử dụng trong giải US Open Pool Championship đến nay dù công nghệ truyền hình hiện đại không còn gặp hạn chế với màu xanh lá. Vì vậy 2 màu xanh lá và xanh lam vẫn là 2 màu sắc phổ biến của bàn bi-da ngày nay.
Ngoại lệ
Bàn bi-da màu đỏ.
Bên cạnh màu xanh lá và xanh lam, bạn vẫn có thể bắt gặp những chiếc bàn bi-da có màu sắc khác điển hình là đỏ. Hainsworth - công ty chuyên làm vải bàn bi-da của Anh có từ năm 1783 cung cấp nhiều màu vải bàn bi-da khác nhau. Bàn bi-da cũng là một thứ có thể trang trí và người dùng có thể chọn màu sắc của mặt bàn sao cho phù hợp với không gian chứ không nhất thiết phải là xanh lá hay xanh lam.