Nữ tiến sĩ tìm ra dẫn chất mới trị bệnh suy giảm trí nhớ
Giảng viên Đại học Dược Hà Nội sau 7 năm nghiên cứu đã tìm ra dẫn chất giúp ngăn chặn bệnh Alzheimer. Hiện thế giới chưa tìm ra thuốc chữa.
Nhận thấy bệnh suy giảm trí nhớ tại Việt Nam ngày càng gia tăng, nhất là "bệnh lẫn" ở người già mà chưa có thuốc điều trị, tiến sĩ Trần Phương Thảo (33 tuổi, giảng viên Bộ môn Hóa dược, Đại học Dược Hà Nội) mong muốn tìm ra thuốc trị tận gốc bệnh Alzheimer.
Alzheimer là căn bệnh suy giảm chức năng não bộ, khoa học thế giới hiện chưa tìm ra thuốc điều trị tận gốc nguyên nhân gây bệnh mà chỉ điều trị được triệu chứng, tức là làm chậm quá trình suy giảm trí nhớ và nhận thức của người bệnh.
Chị Thảo cho biết, ý tưởng nghiên cứu về bệnh Alzheimer "bén duyên" với chị từ khi còn làm luận án tiến sĩ ở Hàn Quốc năm 2011. Ban đầu chị còn băn khoăn vì đây là hướng đi đầy khó khăn, bởi các nước với trang thiết bị hiện đại vẫn chưa tìm ra thuốc cho bệnh này. Chị nghĩ "nếu ai đó tìm ra có lẽ sẽ có giải Nobel cho họ".
Tiến sĩ Trần Phương Thảo. (Ảnh: NVCC).
Với quyết tâm tìm ra thuốc trị bệnh, về Việt Nam từ năm 2015 đến nay chị theo đuổi hướng nghiên cứu này. Trải qua nhiều năm thí nghiệm phân tích, thử nghiệm chị đã tìm ra một số dẫn chất có khả năng gây ức chế enzyme Glutaminyl cyclase - một trong các tác nhân gây ra bệnh Alzheimer.
Tuy nhiên, nữ khoa học chia sẻ từ nghiên cứu ra một hoạt chất tiềm năng trong phòng thí nghiệm tới khi hoạt chất đó thành thuốc sử dụng trong điều trị lâm sàng là chặng đường rất dài. Bởi còn có nhiều giai đoạn và yếu tố cần thiết như thời gian, kinh phí, điều kiện vật chất, quy định pháp lý...
Một chất có hoạt tính tốt sẽ được thử nghiệm in vitro (thử nghiệm trong ống nghiệm, ngoài cơ thể sống) và sau đó là trên chuột, thỏ, chó... Nếu có hiệu quả nhất định thì mới định hướng nghiên cứu trên người.
Chia sẻ về khó khăn, tiến sĩ Thảo nói làm khoa học đã khó, nhưng với phụ nữ càng khó hơn khi vừa phải làm tốt công việc và lo toan gia đình. Chị kể có hôm ở phòng thí nghiệm tới khuya, về nhà thì con đã ngủ. Nhiều lần thử nghiệm các chất thất bại khiến chị nản chí, nhưng sự động viên của gia đình giúp chị vượt qua tất cả.
Năm 2017, chị nhận được học bổng nhà khoa học tài năng do Hội đồng giải thưởng quốc tế L’Oreal -UNESCO vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học trao tặng.
"Nếu nghiên cứu của tôi và đồng nghiệp trong quá trình thực hiện chưa thể thành thuốc thì nó sẽ là kinh nghiệm để tôi tiếp tục công việc và vươn tới thành công ở chặng đường tiếp theo”, chị Thảo nói và nhắn nhủ giới trẻ cần theo đuổi đam mê đến cùng.
Tiến sĩ Trần Phương Thảo có 14 bài báo công bố trên tạp chí SCI, là báo cáo viên tại 7 hội thảo quốc tế chuyên ngành (AIMEC 2015, TETW2014, PSK2013...), là đồng tác giả của 13 bài báo tạp chí quốc gia và quốc tế, đồng sở hữu ba bằng phát minh sáng chế (patent). Ngoài ra, chị còn đang chủ trì một đề tài cấp Nhà nước (Nafosted) và là thư ký khoa học, thành viên nghiên cứu chủ chốt của ba đề tài cấp Nhà nước khác. |

Điểm danh những loại virus nguy hiểm nhất hành tinh
Bên cạnh các virus "tử thần" như sars, ebola, hiv... vẫn còn những virus không hề kém cạnh về mức độ nguy hiểm đối với con người.

Điểm danh các loại ảo ảnh thị giác lừa đảo bộ não
Ảo ảnh thị giác (Optical Illusions) vẫn được biết đến là những hình ảnh đánh lừa đôi mắt. Nhưng thực chất chúng mang một ý nghĩa khác, đó là những hình ảnh được não bộ “tiên đoán”.

Loại cá là "thuốc" bổ phổi, rất tốt cho sức khỏe phụ nữ
Theo các sách cổ, cá chép bổ tỳ vị, lợi tiểu, tiêu phù, thông sữa, chữa ho, lở loét..., là một trong những thực phẩm bổ dưỡng cho thai phụ. Do lợi tiểu, tiêu phù nên cá chép còn được dùng trong nhiều bệnh khác như gan, thận.

Những điều cần biết về thụ tinh trong ống nghiệm
Kể từ khi ra đời, thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) luôn là chỗ bám víu cuối cùng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn muốn sinh em bé, khi tất cả các giải pháp hỗ trợ khác đều cúi đầu chào thua.

Phải tuyệt đối kiêng kỵ làm gì trong ngày mùng 1 Tết?
Có những điều kiêng kị và điều nên làm trong ngày mùng 1 tết đã trở thành phong tục lâu đời của người Việt Nam để mang lại may mắn và tránh điều xui xẻo trong một năm mới.

Hướng dẫn cách bày mâm cúng giao thừa
Tết đang đến gần, không khí xuân ấm áp lan tỏa khắp nơi. Đây cũng là thời điểm nhà nhà chuẩn bị sửa sang, mua sắm những vật dụng cần thiết để chờ đón giao thừa.
