Pakistan không còn đủ kền kền cho tập tục thiên táng
Vô tình đầu độc những chú chim ăn xác trên khắp Nam Á, một số cộng đồng ở khu vực này buộc phải từ bỏ tập tục lâu đời của mình.
Các nghi thức truyền thống của cộng đồng Parsi (Tạm dịch: Bái hỏa giáo - PV) ngày càng khó thực hiện do sự suy giảm nhanh chóng của kền kền ở Ấn Độ, Iran và Pakistan. Nguyên nhân chính được cho là quá trình đô thị hóa ồ ạt và vấn đề sử dụng hóa chất trong chăn nuôi ở Nam Á.
97% kền kền ở khu vực Nam Á đã biến mất, theo một khảo sát vào năm 2007. (Ảnh: Bird Count India).
Thiên táng
Trong nhiều thiên niên kỳ, cộng đồng Parsi có truyền thống mai táng người đã khuất trên các công trình gọi là tháp Im lặng (dakhma). Theo giáo lý Parsi, người chết khi được đặt lên phần đỉnh tháp sẽ tránh bị ô uế và giữ nguyên được ba yếu tố thiêng liêng là đất, lửa, nước trong cơ thể.
Qua thời gian, các thi thể người Parsi sẽ phân hủy và tỏa ra mùi hôi đặc trưng. Dựa theo mùi hôi này, đàn kền kền sống gần đó sẽ đến ăn xác của người đã khuất. Lúc này, những gì còn lại trên đỉnh tháp chỉ là một bộ xương trắng. Sau một năm trải qua sương gió, bộ xương sẽ được đưa vào khu vực trung tâm tháp Im lặng để phân hủy. Cuối cùng, phần tro cốt sẽ được lọc qua than và cát trước khi bị cuốn trôi ra biển.
Tranh vẽ hai tòa tháp Im lặng của người Parsi. (Ảnh: Wikimedia).
“Chúng tôi không thể thực hiện tập tục của mình được nữa”, Hoshang Kapadia, một cư dân Karachi, 80 tuổi, cho biết. “Sinh hoạt của con người đã làm mai một tập tục của chúng tôi”.
Kapadia giải thích rằng mục đích người Parsi thực hiện tập tục “thiên táng” là để “trả lời mọi thứ” cho thế giới. “Dù có chết, chúng tôi cũng không muốn làm ô nhiễm Trái Đất”, ông nói.
Thành phố Karachi, được xây dựng bên biển Ả Rập, là nơi sinh sống của khoảng 800 người Parsi. Thành phố chỉ còn lại hai tòa tháp Im lặng để phục vụ cho tập tục “thiên táng”. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cả hai tòa tháp gần như không được sử dụng.
“Con mắt thần của chim kền kền có thể hỗ trợ linh hồn con người chuyển đổi từ thế giới này sang thế giới khác. Việc dâng thi thể của người đã khuất cho chim kền kền được xem là hành động thánh thiện nhất của người Parsi”, Shirin, một người Parsi sống ở Karachi, cho biết.
“Quá trình đô thị hóa ồ ạt và những thay đổi về môi trường sống ở Karachi đã khiến chúng tôi phải tạm dừng thực hiện "thiên táng". Bởi lẽ, các tòa tháp Im lặng đáng ra phải được xây trên đỉnh đồi và cách xa khu dân cư”, anh nói thêm. “Truyền thống của chúng tôi đang chết dần, nhất là khi môi trường thay đổi ngày càng nhiều”.
97% kền kền biến mất
Không giống như những loài ăn xác thối khác, kền kền là động vật bắt buộc phải ăn xác thối. Nghĩa là chúng không thể chuyển đổi linh hoạt giữa ăn thịt tươi và xác thối như các loài linh cẩu, chó rừng, quạ… mà chỉ có thể ăn xác của động vật đã bốc mùi.
Vài chục năm gần đây, kền kền trên khắp Ấn Độ đã chết hàng loạt. Nguyên nhân chính là do ngộ độc thuốc chống viêm diclofenac, một loại thuốc được sử dụng cho gia súc ở Ấn Độ và Pakistan.
Khi những con gia súc có dùng thuốc chống viêm chết, kền kền ăn xác của chúng. Sau đó, kền kền sẽ bị sưng tấy, viêm nhiễm, suy thận và chết. Một nghiên cứu vào năm 2007 ở Ấn Độ cho thấy có khoảng 97% chim kền kền ở quốc gia này và các khu vực lân cận đã biến mất.
Tòa tháp Im lặng ở Karachi hầu như không được sử dụng trong những năm gần đây. (Ảnh: flickr).
Cộng động Parsi ở Ấn Độ đang nghiên cứu cách nhân giống kền kền trong điều kiện nuôi nhốt và sử dụng “thiết bị tập trung ánh sáng mặt trời” để đẩy nhanh nghi thức “thiên táng”. Tuy nhiên, vì thiết bị tập trung ánh sáng chỉ hoạt động khi thời tiết quang đãng, một số người Parsi buộc phải chôn cất như bình thường thay vì được chết “trong sạch” theo đức tin của họ.
“Người Parsi ở Karachi buộc phải chọn các phương pháp an táng thi thể khác như hỏa táng hoặc chôn cất tại nghĩa trang địa phương vì hai tòa tháp Im lặng đã không thể hoạt động”, Kapadia nói.
Ông cho biết thêm một số thành viên trong cộng đồng đã đề xuất nuôi một nhóm nhỏ kền kền để thực hiện nghi lễ truyền thống này. Tuy nhiên, sau một thời gian nuôi nhốt, họ quyết định thả chúng về tự nhiên để củng cố quần thể kền kền trong khu vực.
Để ngăn sự tuyệt chủng của các loài kền kền, các nhà khoa học khuyến nghị chính quyền ở khu vực Nam Á cấm người dân sử dụng diclofenac trong chăn nuôi. Hiện, chính sách cấm diclofenac đã được thực hiện ở Ấn Độ, Pakistan và Nepal.