Phát hiện ba loài thằn lằn bay có răng lớn
Hóa thạch 100 triệu năm tuổi được tìm thấy ở châu Phi tiết lộ ba loài thằn lằn bay ăn cá khổng lồ, có sải cánh dài tới 4m.
Phát hiện, được công bố trên tạp chí Cretaceous Research, đang giúp khám phá lịch sử tiến hóa ít được biết đến ở châu Phi trong thời kỳ khủng long. Các loài thằn lằn bay có răng từng là một phần trong hệ sinh thái sông cổ của lục địa đen, nơi có sự thống trị của nhiều loài săn mồi lớn như cá sấu và khủng long ăn thịt.
Đồ họa mô phỏng một loài thằn lằn bay có răng. (Ảnh: Đại học Baylor).
"Hóa thạch thằn lằn bay (pterosaur) chủ yếu được biết đến ở châu Âu, Nam Mỹ và châu Á. Khám phá mới vì vậy rất thú vị. Nó mở một cánh cửa vào thế giới của pterosaur ở châu Phi trong kỷ Phấn trắng", trưởng nhóm nghiên cứu Megan L. Jacobs, nhà khoa học địa chất tại Đại học Baylor, Mỹ cho biết.
Các mẫu vật được khai quật tại một ngôi làng nhỏ có tên là Beggaa, ngay gần ốc đảo Erfoud ở sa mạc Sahara, phía đông nam Morocco. Phân tích hóa thạch cho thấy chúng thuộc về ba loài thằn lằn bay có răng hoàn toàn mới, trong đó có một loài thuộc chi Anhanguera trước đây chỉ được biết đến ở Brazil và một loài khác thuộc chi Ornithocheirus chỉ được tìm thấy ở Anh và Trung Á.
Hóa thạch được tìm thấy ở đông nam Monaco. (Ảnh: Daily Mail).
"Chúng có sải cánh lớn, dài khoảng 3 - 4 m, nhưng xương rất mỏng và chứa nhiều không khí bên trong giống như loài chim", Jacobs mô tả. "Điều này cho phép chúng cất cánh và bay lên bầu trời dù có kích thước đáng kinh ngạc".
Các pterosaur tìm kiếm con mồi từ trên cao và xà xuống bắt gọn chúng bằng hàm răng sắc nhọn như gai. Phạm vi săn mồi của chúng có thể trải dài hàng trăm dặm, với bằng chứng là những phát hiện hóa thạch ở cả châu Phi và Nam Mỹ, tương tự các loài chim săn mồi lớn ngày nay như kền kền và hải âu, nhóm nghiên cứu cho biết.