Phát hiện hành tinh giống Trái đất trong vùng ở được
Ngoại hành tinh có thể ở được giống Trái đất nhất về kích thước và nhiệt độ cách chúng ta 300 năm ánh sáng được phát hiện qua dữ liệu của tàu Kepler.
Hành tinh mới phát hiện có tên Kepler-1649c, lớn gấp 1,06 lần Trái đất. Lượng ánh sáng hành tinh này nhận từ ngôi sao chủ bằng khoảng 75% so với Trái đất nhận từ Mặt trời. Điều này chỉ ra nhiệt độ bề mặt của Kepler-1649c có thể tương tự Trái đất. Hành tinh cũng nằm trong vùng ở được quanh ngôi sao chủ, ở khoảng cách phù hợp để nước lỏng có thể tồn tại trên bề mặt và hỗ trợ sự sống phát triển, theo nghiên cứu công bố hôm 15/4 trên tạp chí Astrophysical Journal Letters.
Mô phỏng Kepler-1649c và ngôi sao chủ. (Ảnh: CNN).
Tuy nhiên, Kepler-1649c quay quanh ngôi sao lùn đỏ nhỏ và lạnh hơn nhiều so với Mặt trời. Trong những năm gần đây, nhiều ngoại hành tinh được tìm thấy quanh loại sao phổ biến này. Kepler-1649c ở gần ngôi sao chủ hơn so với khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trời. Nó hoàn thành một vòng quỹ đạo sau 19,5 ngày, như vật hành tinh có thể hứng nhiều bức xạ vũ trụ hơn, đe dọa khả năng tồn tại sự sống. Nhưng các nhà nghiên cứu của NASA chưa quan sát được bức xạ. Nhóm nghiên cứu không biết nhiều về cấu tạo hoặc khí quyển hành tinh.
"Thế giới xa xôi thú vị này mang lại hy vọng lớn hơn về một Trái đất thứ hai nằm giữa những ngôi sao đang chờ chúng ta phát hiện", Thomas Zurbuchen, phó giám đốc Ban Sứ mệnh Khoa học (Science Mission Directorate) của NASA, chia sẻ. "Dữ liệu do tàu Kepler và Vệ tinh khảo sát ngoại hành tinh chuyển tiếp (TESS) thu thập sẽ tiếp tục cho ra đời những phát hiện thú vị khi cộng đồng khoa học không ngừng trau dồi nâng cao khả năng tìm kiếm các hành tinh hứa hẹn".
So sánh kích thước Trái đất và Kepler-1649c. (Ảnh: CNN).
Lúc đầu, các nhà nghiên cứu bỏ sót Kepler-1649c bởi thuật toán máy tính mang tên Robovetter xếp hành tinh vào nhóm phát hiện nhầm. Máy tính có thể mắc lỗi, do đó các nhà nghiên cứu trong Nhóm phân tích phát hiện nhầm của Kepler kiểm tra lại mọi dữ liệu và xác định Kepler-1649c là một hành tinh. "Trong số tất cả hành tinh bị phân loại nhầm mà chúng tôi đã xếp lại, Kepler-1649c đặc biệt đáng chú ý không chỉ bởi nó nằm trong vùng ở được và lớn cỡ Trái đất mà còn vì cách nó có thể tương tác với hành tinh khác nằm gần ngôi sao chủ hơn", Andrew Vanderburg, nhà nghiên cứu ở Đại học Texas, Austin, tác giả chính của nghiên cứu, chia sẻ. Nhóm nghiên cứu cho rằng có thể tồn tại hành tinh thứ ba trong hệ thống dù họ vẫn chưa tìm thấy nó.
Ngoại hành tinh là những hành tinh quay quanh các ngôi sao ở ngoài hệ Mặt trời. Kính viễn vọng không gian trên tàu Kepler của NASA phát hiện 2.681 ngoại hành tinh từ năm 2009 đến 2018. Tàu Kepler ngừng hoạt động năm 2018, nhưng dữ liệu do tàu thu thập có thể dẫn tới nhiều phát hiện hơn trong những năm tới. Hiện nay, Vệ tinh khảo sát ngoại hành tinh chuyển tiếp (TESS) phóng vào tháng 4/2018 là thiết bị săn hành tinh mới nhất của NASA.