Phát hiện họ hàng mới của loài người ở Nam Phi
1400 mảnh xương, 140 chiếc răng của một loài người mới, được đặt tên là Homo Naledi, vừa được phát hiện trong một hang động nằm sâu trong lòng đất tại Châu Phi. Các nhà khoa học cho rằng loài người này sống cách đây khoảng 2-3 triệu năm, có đặc điểm vừa giống người nguyên thủy, vừa giống người hiện đại và các loài khác thuộc họ người. Đây là phát hiện khảo cổ cực kỳ quan trọng, giúp chúng ta hiểu hơn về cây phả hệ cũng như quá trình tiến hóa thuở xa xưa.
Phát hiện hóa thạch họ hàng mới của loài người, sống cách đây 2-3 triệu năm
Trước giờ, các nhà khoa học vẫn chưa phát hiện nhiều hóa thạch của loài người thuở ban đầu. Trong suốt 100 năm qua, các nhà nhân loại khảo cổ học gần như không tìm thấy thêm một di tích hóa thạch nào dù là nhỏ nhất của tổ tiên loài người. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu hết sức tình cờ, các nhà khoa học tại Đại học Witwatersrand, Nam Phi và National Geographic đã phát hiện ra một lượng lớn hóa thạch của loài người chưa từng được biết tới.
Sơ đồ khu vực hang động chứa xương hóa thạch.
Khu vực hang động nằm sâu bên dưới lòng đất và các nhà khoa học tin rằng khu vực này được cố tình làm ra để chôn người chết. Đây là điều chưa từng thấy từ trước tới nay đối với các hóa thạch có niên đại trước người nguyên thủy và có thể, nó sẽ tác động rất lớn tới sự hiểu biết về nguồn gốc các hành vi của người hiện đại.
Hình ảnh 3D dựng lại khuôn mặt của loài Homo Baledi dựa vào các mảnh xương tìm thấy.
Theo giáo sư Lee Berger tại Đại học Witwatersrand, Nam Phi thì vẫn còn hàng nghìn mẫu hóa thạch còn nằm trong hang động. Tuy nhiên đối với các nhà khoa học thì những gì vừa phát hiện đã là một điều cực kỳ tuyệt vời và từ đó, họ phát hiện ra những đặc điểm độc đáo: loài này đứng băng 2 chân, cao khoảng 120cm, dáng mảnh, nặng khoảng 45kg, mạnh mẽ, cơ xương phát triển.
Giáo sư Berger cho biết: “Nhìn vào xương chậu và vai, bạn sẽ nghĩ đó là Chi vượn người phương Nam Australopithecus từng xuất hiện tại châu Phi 4 triệu năm trước hoặc là tổ tiên của Homo. Nhưng khi nhìn vào chân, bạn sẽ nghĩ đây là loài người chúng ta, xuất hiện cách đây 200.000. Hộp sọ cho thấy kích thước não của loài này chỉ bằng 1 nửa chúng ta và trông giống như một số loài Homo sống cách đây 2 triệu năm".
Hóa thạch xương bàn tay của loài Homo Naledi.
Các nhà nghiên cứu nhận định hóa thạch này rất giống chúng ta mặc dù nếu so sánh thì đặc điểm hộp sọ, bàn tay và răng lại thuộc về một loài nào đó không thuộc tông người. Và do đó, họ quyết định đặt tên cho loài này là Homo naledi. Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa xác định chính xác niên đại của các bộ xương, có thể là 2-3 triệu năm trước, khi Homo xuất hiện lần đầu tiên, nhưng cũng có thể gần đây hơn.
Phát hiện lần này có ý nghĩa gì? Giáo sư Berger cho biết: “Chúng ta có kế thừa đặc điểm của loài này hay không? Họ có năm trong dòng dõi loài người hoặc họ từ đâu mà có? Với kích thước não như thế, họ có khả năng tư duy ra sao? và còn nhiều câu hỏi khác". Các nhà khoa học sẽ ráo riết tiến hành nghiên cứu dựa trên các hóa thạch này để tìm hiểu thêm. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng các phát hiện sắp tới có thể sẽ hoàn toàn thay đổi lịch sử của chúng ta.
- Phát hiện về khả năng trao đổi gene giữa loài người cổ đại
- Phát hiện hóa thạch chủng người cổ đại mới từ hơn 3 triệu năm trước
Thêm một số hình ảnh trong quá trình khai quật hóa thạch:
Nhóm các nhà khảo cổ tham gia xuống hang động.
Một đường hầm thẳng đứng là lối vào duy nhất để đến với hang động.
Một thành viên trong nhóm nghiên cứu đang làm việc bên dưới hang động.
Người dẫn đầu nghiên cứu, giáo sư Lee Berger bày tỏ sự vui mừng trước khám phá lần này.
Các thành viên trong nhóm đang tiến hành phân tích mẫu vật.
Dựa vào cấu trúc sọ, các nhà khoa học cho rằng não của Homo Naledi chỉ bằng một nửa người hiện đại.
Một xương hàm với đầy đủ răng được tìm thấy.
Xương bàn chân được cho là tương tự như loài người chúng ta cách đây 200.000 năm.
Mẩu hóa thạch xương sọ bên phải và bên trái được dựng bằng công nghệ 3D.