Phát hiện hóa thạch loài bọ cạp biển tiền sử to bằng con chó
Những con bọ cạp biển dài một mét từng kiếm ăn ở vùng biển ngày nay là Trung Quốc cách đây 435 triệu năm, sử dụng cặp càng đầy gai nhọn để bắt mồi.
Mô phỏng bọ cạp biển Terropterus xiushanensis săn mồi dưới nước. (Ảnh: Science Bulletin)
Các nhà cổ sinh vật học gần đây phát hiện hóa thạch của bọ cạp Terropterus xiushanensis, loài động vật chân khớp cổ đại có họ hàng gần với nhện hiện đại và sam biển, theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Science Bulletin. Theo Bo Wang, đồng tác giả nghiên cứu ở Viện Địa chất học Nam Ninh và Trung tâm sự sống và môi trường cổ đại tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, những chân có móc câu của nó được sử dụng để bắt mồi, nhiều điểm giống chân kìm có gai của nhện roi. Chân kìm thường dùng để chuyển tinh trùng từ nhện đực sang nhện cái, ở một số loài như nhện roi, dần tiến hóa để bắt mồi.
Bọ cạp T. xiushanensis sống ở kỷ Silur (khoảng 443,8 đến 419,2 triệu năm trước). Ở thời kỳ này, bọ cạp biển trở thành loài săn mồi hàng đầu về phục kích dưới nước, chuyên tóm cá và loài thân mềm khi chúng mất cảnh giác, xúc con mồi bằng chân kìm và đẩy vào miệng. Bọ cạp biển có nhiều kích thước, loài nhỏ nhất chỉ nhỏ bằng bàn tay trong khi loài lớn nhất to bằng người trưởng thành. T. xiushanensis là loài đầu tiên thuộc họ Mixopteriade được phát hiện trong vòng 80 năm qua.
T. xiushanensis cũng là bọ cạp biển đầu tiên được phát hiện ở siêu lục địa Gondwana, hình thành sau khi siêu lục địa lớn hơn là Pangaea nứt làm đôi. Những nghiên cứu trong tương lai, đặc biệt ở châu Á, có thể hé lộ nhiều hơn về phân bố địa lý của chúng và các nhóm bọ cạp biển khác.