Phát hiện loại rượu lâu đời nhất thế giới ở Trung Quốc
Những mảnh gốm 10.000 năm tuổi thuộc nền văn hóa Shangshan bên bờ Dương Tử đã lưu lại dấu tích của một loại rượu cổ xưa.
Nhóm nghiên cứu đa quốc gia dẫn đầu bởi GS Leping Jiang từ Viện Di tích văn hóa và khảo cổ học tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) đã khám phá ra một loại rượu rất lâu đời được làm từ gạo.
Theo Sci-News, họ đã phân tích hiện vật từ giai đoạn đầu của di chỉ thuộc nền văn hóa Shangshan, từng tồn tại ở vùng trung lưu và hạ lưu sông Dương Tử ở Trung Quốc.
Các hiện vật thuộc nền văn hóa Shangshan chứa bằng chứng về một loại rượu cổ đại - (Ảnh: ĐẠI HỌC STANFORD).
Các hiện vật có niên đại 9.000-10.000 năm của người Shangshan đã để lộ ra dấu vết của phytolith (các khoáng chất cực nhỏ trong mô thực vật), hạt tinh bột và nấm men.
Trong đó, các hạt tinh bột có nguồn gốc từ gạo, hạt dẻ, cỏ đuôi chó, một loại lúa mì, quả sồi và hoa loa kèn.
Nhiều hạt tinh bột - rõ ràng nhất là tinh bột từ gạo - biểu hiện dấu hiệu phân hủy bởi enzym và hồ hóa, đây là đặc trưng của quá trình lên men.
Các nhà khoa học cũng phát hiện ra nhiều thành phần nấm, bao gồm nấm mốc Monascus và tế bào nấm men, một số trong đó có các giai đoạn phát triển đặc trưng của quá trình lên men.
Những loại nấm này có liên quan chặt chẽ với các loại nấm được sử dụng trong các phương pháp ủ rượu truyền thống ở Trung Quốc, chẳng hạn như loại được sử dụng để sản xuất hongqujiu, tức rượu gạo men đỏ.
Vì vậy, trong bài công bố trên tạp chí khoa học Proceedings of the National Academy of Sciences, các nhà nghiên cứu kết luận đó là bằng chứng về việc sản xuất một loại đồ uống có cồn.
“Những mảnh vỡ này có liên quan đến nhiều loại đồ đựng khác nhau, bao gồm đồ dùng để lên men, phục vụ, lưu trữ, nấu và chế biến” - GS Jiang cho biết thêm.
Nền văn hóa Shangshan cổ đại liên quan chặt chẽ đến việc thuần hóa lúa trong một thời kỳ có khí hậu ấm áp và ẩm ướt trong khu vực.
Những phát hiện này cho thấy người dân ở đó đã tận dụng chính những thứ họ đang có đề tạo ra rượu. Chính loại đồ gốm phục vụ quá trình sản xuất cũng chứa trấu, cho thấy vai trò quan trọng của lúa gạo đối với các nền văn minh Đông Á sơ khai.
GS Li Liu từ Đại học Stanford (Mỹ), đồng tác giả, giải thích: “Lúa thuần hóa cung cấp nguồn tài nguyên ổn định cho quá trình lên men, trong khi điều kiện khí hậu thuận lợi hỗ trợ sự phát triển của công nghệ, dựa trên sự phát triển của nấm sợi”.
Những loại đồ uống có cồn này có thể đóng vai trò quan trọng trong các bữa tiệc nghi lễ thời đại đồ đá mới bên bờ sông Dương Tử.
Bằng chứng về quá trình lên men rượu gạo của người Shangshan cũng cho thấy công nghệ này xuất hiện sớm nhất ở Đông Á.
Trước đó, bằng chứng sớm nhất về rượu được thế giới công nhận được tìm thấy ở Jiahu, một ngôi làng thời đồ đá mới ở thung lũng sông Hoàng Hà, có niên đại khoảng năm 7000-6600 trước Công nguyên, tức 8.600-9.000 năm trước.