Phát hiện loạt dấu vết của lốc xoáy bụi trên sao Hỏa
Tàu quỹ đạo sao hỏa MRO của NASA quan sát thấy rất nhiều vệt đen khổng lồ do lốc xoáy bụi gây ra trên bề mặt hành tinh đỏ.
Sao Hỏa có rất nhiều bụi và gió, khiến nó trở thành môi trường lý tưởng cho lốc xoáy bụi. Những cơn lốc khổng lồ, còn được gọi là quỷ bụi, tại đây có thể đạt chiều cao hàng chục km và khi di chuyển, chúng để lại dấu vết rõ ràng trên cảnh quan. Điều này được thể hiện rõ trong những bức ảnh mới được công bố vào hôm 17/11 của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
Những vệt đen cho thấy đường đi của lốc xoáy bụi trên sao Hỏa. (Ảnh: NASA).
Hình ảnh do camera độ phân giải cao HiRise trên tàu quỹ đạo sao Hỏa MRO chụp gần miệng hố va chạm Galle Crater cho thấy một loạt vệt đen, giống như các vết cào của quái vật khổng lồ, in hằn trên bề mặt cát sáng màu của hành tinh đỏ. Theo NASA, chúng được tạo ra bởi những cơn lốc xoáy bụi từ cuối năm 2018.
Galle Crater còn được mệnh danh là "miệng núi lửa hạnh phúc" bởi hình dạng của nó khiến người xem liên tưởng đến khuôn mặt cười. Đây là một trong những khu vực hoạt động mạnh nhất của lốc xoáy bụi trên sao Hỏa.
Miệng hố va chạm Galle Crater, gần nơi phát hiện loạt dấu vết của quỷ bụi. (Ảnh: NASA).
Nghiên cứu về quỷ bụi sẽ giúp các nhà thiên văn học hiểu rõ hơn về kiểu gió, cũng như sự hình thành và thay đổi của các đụn cát trên hành tinh đỏ theo thời gian.
Ngoài ra, những cơn lốc nhẹ còn có thể đóng vai trò như "máy hút bụi" giúp làm sạch bề mặt của robot thám hiểm sao Hỏa. Lấy một ví dụ vào năm 2019 khi hoạt động của lốc bụi đã giúp tàu đổ bộ Insight của NASA "rũ sạch" bụi bẩn bám trên hai tấm pin mặt trời của nó.