Phát hiện mới: Một loạt nền văn minh trong dải Ngân Hà đã tự diệt vong từ vài tỷ năm trước
Hầu hết các nền văn minh ngoài hành tinh từng phân bổ rải rác trong dải Ngân hà của chúng ta có lẽ đã tự diệt vong. Đây chính là là kết quả thu được của một nghiên cứu vừa được công bố mới đây, sau khi các nhà nghiên cứu lập bản đồ đánh dấu sự xuất hiện và biến mất của các nền văn minh ngoài Trái đất trong suốt hàng tỷ năm, kể từ khi thiên hà của chúng ta hình thành.
Theo đó, có thể coi kết quả này là bản cập nhật mới nhất của "phương trình Drake", vốn được sử dụng để ước tính số lượng nền văn minh ngoài Trái đất trong Dải Ngân Hà.
Một loạt nền văn minh có thể đã hình thành trong dải Ngân Hà từ hàng tỷ năm trước, nhưng đã tự diệt vong vì nhiều lý do khác nhau.
Được tạo ra bởi nhà thiên văn học Frank Drake vào năm 1961, phương trình này nổi tiếng này dựa trên bảy biến số để tính toán số lượng nền văn minh trong thiên hà mà con người có thể liên lạc, đơn cử như tỷ lệ bình quân các ngôi sao được hình thành mỗi năm trong thiên hà; xác suất một nền văn minh có công nghệ phát triển tới mức các dấu hiệu của họ có thể nhận thấy trong không gian và khoảng thời gian một nền văn minh như vậy phát các tín hiệu vào không gian.v.v...
Tuy nhiên, nghiên cứu vừa được thực hiện bởi các nhà vật lý học tại Viện Công nghệ California lại thực tế hơn nhiều so với phương trình Drake. Nghiên cứu này cho biết sự sống có khả năng xảy ra ở đâu và khi nào trong Dải Ngân hà. Đồng thời, nó cũng giúp xác định được yếu tố quan trọng nhất: Xu hướng tự hủy diệt của các nền văn minh ngoài Trái đất.
"Kể từ khi có Kính viễn vọng Không gian Hubble và Kính viễn vọng Không gian Kepler, chúng ta đã có rất nhiều kiến thức về mật độ khí và sao trong dải Ngân hà, tỷ lệ hình thành sao và tỷ lệ hình thành ngoại hành tinh ... hay tỷ lệ xảy ra các vụ nổ siêu tân tinh", Jonathan H. Jiang, nhà vật lý thiên văn tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA, đồng tác giải của nghiên cứu cho biết.
Những nền văn minh ngoài Trái đất có thể tập trung chủ yếu quanh ở khu vực cách trung tâm thiên hà 13.000 năm ánh sáng, do sự phổ biến của các ngôi sao giống như Mặt trời tại đây.
Theo đó, các nhà nghiên cứu đã xem xét một loạt các yếu tố được cho là ảnh hưởng đến sự phát triển của một nền văn minh, chẳng hạn như sự phổ biến của các ngôi sao giống như Mặt trời chứa các hành tinh giống Trái đất; Tần suất của các vụ nổ siêu tân tinh phát ra bức xạ gây chết người; Xác suất và thời gian cần thiết để các nền văn minh có thể phát triển nếu gặp các điều kiện phù hợp.
Dựa trên các yếu tố này, các nhà khoa học đã tiến hành mô hình hóa sự tiến hóa của Dải Ngân hà theo thời gian và không gian. Kết quả, họ phát hiện xác suất sự sống xuất hiện đạt đỉnh ở khoảng cách 13.000 năm ánh sáng tính từ khu vực trung tâm thiên hà, và khoảng 8 tỷ năm sau khi Dải Ngân hà hình thành.
Để so sánh, Trái đất cách trung tâm thiên hà khoảng 25.000 năm ánh sáng, và nền văn minh của loài người đã xuất hiện vào khoảng 13,5 tỷ năm sau khi Dải Ngân hà hình thành, mặc dù các dạng sống đơn giản đã lộ diện ngay sau khi hành tinh hình thành.
Nói cách khác, chúng ta có thể là một "nền văn minh biên giới" nếu xét về mặt vị trí địa lý thiên hà. Bên cạnh đó, nền văn minh của chúng ta cũng thuộc dạng "sinh sau đẻ muộn" so với các nền văn minh khác, vốn có thể đã hình thành trước đó một khoảng thời gian dài.
Xác suất sự sống xuất hiện đạt đỉnh ở khoảng cách 13.000 năm ánh sáng tính từ khu vực trung tâm thiên hà, và khoảng 8 tỷ năm sau khi Dải Ngân hà hình thành.
Tất nhiên, giả sử sự sống vẫn đang tiếp tục "trỗi dậy" khắp thiên hà, có lẽ vẫn còn rất nhiều nền văn minh khác ngoài kia mà chúng ta chưa thể phát hiện. Những nền văn minh này có thể tập trung chủ yếu quanh ở khu vực cách trung tâm thiên hà 13.000 năm ánh sáng, do sự phổ biến của các ngôi sao giống như Mặt trời tại đây.
Theo các nhà nghiên cứu, hầu hết các nền văn minh còn tồn tại trong thiên hà thời điểm hiện tại có lẽ vẫn còn khá "non trẻ". Thông thường, sẽ mất một khoảng thời gian rất dài để một nền văn minh có thể sinh ra, phát triển và diệt vong vì một nguyên nhân nào đó. Tất nhiên, điều này cũng có nghĩa các nền văn minh hình thành vào thời điểm ‘vàng’ hơn 5 tỷ năm trước có khả năng đã tự diệt vong từ rất lâu.
Trên thực tế, đây cũng chính là một "biến số" quan trọng trong mô hình của các nhà nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Californian, dựa trên câu hỏi: Các nền văn minh trong thiên hà thường tự diệt vong vì nguyên nhân gì?
Theo đó, nếu áp dụng các yếu tố như chiến tranh hạt nhân hay biến đổi khí hậu vào mô hình, khả năng cao là hầu hết các nền văn minh từng hình thành trước chúng ta không thể tồn tại đến ngày nay.