Phát hiện nơi dễ sống hơn cả Trái đất ngay trong Hệ Mặt trời
Một hành tinh vừa được xác nhận là địa điểm hứa hẹn cho cội nguồn sự sống như Trái Đất sơ khai, nếu không muốn nói là hứa hẹn hơn.
Một nghiên cứu vừa công bố trên Earth and Planetary Science Letters lần đầu tạo ra mô hình về sự tiến hóa của bầu khí quyển sao Hỏa, liên kết nhiệt độ cao trong giai đoạn "sơ sinh" nóng bỏng của sao Hỏa với việc tạo ra các đại dương và bầu khí quyển nguyên thủy.
Sao Hỏa nằm trong vùng sự sống Goldilocks của Hệ Mặt trời, nhưng từ lâu đã được biết đến là quá lạnh và khô cằn cho sự sống. Một số bằng chứng gián tiếp cho thấy trong quá khứ có thể hành tinh này không như vậy, tuy nhiên quá trình tiến hóa hành tinh - vốn đầy may rủi - đã vắt kiệt nó.
Sao Hỏa sống được của quá khứ, thậm chí có thể dễ sống hơn cả Trái đất, theo các nhà nghiên cứu từ Viện SETI - (Ảnh đồ họa từ dữ liệu thực của Curiosity/NASA)
Trong mô hình mới, được tạo nên bởi Viện SETI (Viện Tìm kiếm trí thông minh ngoài Trái Đất, được tài trợ chính bởi NASA), quãng thời gian mà sao Hỏa tạo nên môi trường ban đầu của mình đã được tái hiện thông qua các dữ liệu được thu thập bởi chiếc xe tự hành Curiosity của NASA, vẫn đang thám hiểm trên hành tinh đỏ, cũng như từ các thiên thạch sao Hỏa rơi xuống Trái Đất.
Theo đó, bầu khí quyển nguyên thủy của sao Hỏa phải dày đặc hơn khoảng 1.000 lần so với ngày nay, bao gồm chủ yếu là hydro phân tử (H2) ở tầng trên của bầu khí quyển và hơi nước dồi dào ở tầng dưới.
"Phát hiện này rất có ý nghĩa vì H2 là khí nhà kính mạnh. Bầu khí quyển dày đặc H2 sẽ tạo ra hiệu ứng nhà kính mạnh mẽ cho phép các đại dương ấm hoặc nóng được ổn định trên bề mặt sao Hỏa trong hàng triệu năm, cho đến khi H2 dần mất mát vào không gian" - các tác giả viết trong bài công bố.
Điều này được xác định thông qua việc phân tích tỉ lệ các đồng vị hydro trong các thiên thạch sao Hỏa cũng như mẫu đất sét cổ 3 tỉ năm mà Curiosity đã thu thập.
Điều vừa được chứng minh là mảnh ghép hoàn hảo cho kịch bản về một hành tinh đỏ sơ khai với các đại dương rộng lớn, đủ ấm áp để sự sống ra đời nhờ sự bảo vệ của "áo giáp" H2.
"Đây là mô hình đầu tiên tái tạo những dữ liệu này một cách tự nhiên, giúp chúng tôi tin tưởng rằng kịch bản tiến hóa khí quyển mà chúng tôi đã mô tả tương ứng với các sự kiện nguyên thủy trên sao Hỏa" - SciTech Daily dẫn lời nhà nghiên cứu Kaveh Pahlevan từ Viện SETI.
Rất tiếc H2 dễ thất thoát vào không gian nên sau hàng tỉ năm, lớp này mỏng dần kéo theo việc hơi nước bị thất thoát theo, khiến hành tinh trở thành một "sa mạc chết", lạnh lẽo. Tuy nhiên rõ ràng là hành tinh này đã được sinh ra để sống.
Đánh giá kết quả từ mô hình cộng với các điều kiện phù hợp cho sự sống khác của hành tinh này, nhóm tác giả từ Viện SETI kết luận: "Sao Hỏa sơ khai là một phiên bản ấm áp của Titan (mặt trăng sao Thổ) hiện đại và ít nhất là 1 địa điểm hứa hẹn về nguồn gốc sự sống như Trái đất sơ khai, nếu không muốn nói là hứa hẹn hơn".