Phát hiện tảng đá sao Hỏa có thể chứa vi khuẩn hóa thạch
Mẫu đá mà robot NASA thu thập có 3 điểm thu hút giới khoa học, cho thấy sự sống có thể tồn tại trên sao Hỏa hàng tỷ năm trước.
Robot thám hiểm sao Hỏa Perseverance của NASA tìm thấy một tảng đá hình mũi tên với khả năng chứa các vi sinh vật hóa thạch từ hàng tỷ năm trước, khi nơi này còn là một hành tinh đầy nước, AFP hôm 26/7 đưa tin. Đây có thể là phát hiện đáng kinh ngạc nhất của robot từ trước đến nay, cho thấy dấu hiệu sự sống cổ đại trên hành tinh đỏ.
Robot Perseverance của NASA chụp ảnh tảng đá Cheyava Falls trên sao Hỏa vào tháng 7/2024. (Ảnh: NASA/JPL-Caltech/MSSS).
Perseverance đã khoan vào tảng đá bí ẩn, được đặt tên là "Cheyava Falls", để thu thập mẫu lõi khi đi qua thung lũng sông cổ đại Neretva Vallis hôm 21/7. Các mẫu vật được đặt cẩn thận dưới bụng robot, chờ đến chuyến trở về Trái đất để trải qua quá trình phân tích toàn diện hơn.
"Cheyava Falls là tảng đá khó hiểu, phức tạp và cũng có thể quan trọng nhất mà Perseverance từng nghiên cứu. Chúng tôi đã chiếu laser và tia X vào tảng đá, chụp ảnh nó cả ngày lẫn đêm từ mọi góc độ có thể hình dung", nhà khoa học Ken Farley tại Viện Công nghệ California (Caltech) chia sẻ. Có ba đặc điểm của tảng đá đặc biệt thu hút các nhà khoa học.
- Thứ nhất là các đường vân canxi sunfat trắng chạy dọc theo chiều dài tảng đá, dấu hiệu cho thấy nước từng chảy qua đó.
- Thứ hai, giữa những vân này là một vùng màu đỏ chứa đầy hợp chất hữu cơ do dụng cụ SHERLOC của robot phát hiện.
- Cuối cùng là những đốm trắng ngà tí hon viền đen giống như đốm trên lông báo hoa mai, chứa các hóa chất gợi nhắc đến nguồn năng lượng cho vi sinh vật cổ đại, theo kết quả quét của dụng cụ PIXL.
"Trên Trái đất, những đặc điểm trong đá kiểu này thường gắn liền với bằng chứng hóa thạch của các vi sinh vật sống dưới bề mặt", nhà sinh vật học vũ trụ David Flannery tại Đại học Công nghệ Queensland, Australia, thành viên nhóm khoa học Perseverance, giải thích.
Tuy nhiên, sứ mệnh xác nhận sự sống cổ đại trên sao Hỏa vẫn còn rất xa mới kết thúc. Cuộc kiểm tra thực sự sẽ chỉ diễn ra khi các mẫu đá quý giá của Perseverance được mang về Trái đất theo chương trình mang mẫu vật sao Hỏa trở về do NASA hợp tác với Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) dự kiến triển khai vào những năm 2030.
Dù có những cách lý giải khác không liên quan đến vi sinh vật cho phát hiện mới, nhưng vẫn có khả năng mẫu vật của Perseverance thực sự chứa vi sinh vật hóa thạch, giúp robot này làm nên lịch sử khi tìm thấy bằng chứng đầu tiên về sự sống ngoài Trái đất.