Phục dựng gương mặt chiến binh Trung Cổ 660 năm trước
Gương mặt của chiến binh chết cách đây 660 năm với vết thương do rìu bổ trúng được dựng lại bởi một nhóm chuyên gia Brazil.
Gương mặt chiến binh Trung Cổ được phục dựng. (Ảnh: Cicero Moraes).
Chuyên gia đồ họa người Brazil Cicero Moraes hoàn thành ảnh phục dựng với mô hình hộp sọ 3D do Bảo tàng Lịch sử Thụy Điển ở Stockholm chia sẻ. Ông công bố nghiên cứu trên tạp chí đồ họa vi tính 3D OrtogOnLineMag, Sun hôm 3/11 đưa tin.
Các chuyên gia phục dựng gương mặt của một chiến binh sau khi khai quật hộp sọ từ ngôi mộ tập thể ở ngoại ô thành phố Visby trên đảo Gotland của Thụy Điển. Tại đó, năm 1361, một đội quân Đan Mạch gồm 2.500 chiến binh, gây ra một cuộc thảm sát. Họ đối đầu với đội quân địa phương gồm 2.000 nông dân trang bị nghèo nàn, ít nhất 1/3 trong số đó là trẻ vị thành niên hoặc người già, theo kết quả khai quật. Trong cuộc thảm sát sau đó, khoảng 1.800 người chết. Trong số họ có một chiến binh bị rìu bổ trúng mặt bên cạnh vết thương phía trên mắt trái và xương gò má trái do giáo mác gây ra.
Moraes phục dựng đặc điểm gương mặt của chiến binh trên giao diện kỹ thuật số. Ông cho biết sau khi sau khi hộp sọ sẵn sàng, một loạt vật đánh dấu độ dày mô mềm được đặt khắp hộp sọ. Những vật đánh dấu này chỉ ra ranh giới da ở một số khu vực trên gương mặt. Để bổ sung dữ liệu, Moraes và cộng sự nhập một bản chụp cắt lớp từ tình nguyện viên và làm biến dạng xương cũng như mô mềm trên bản chụp để phù hợp với gương mặt cần dựng. Với gương mặt cơ bản đã định hình, họ hoàn thành quá trình phục dựng và tạo ra hình ảnh khoa học nhất theo tông màu xám với đôi mắt nhắm và không có tóc.
Hộp sọ của chiến binh cung cấp bộ dữ liệu không hoàn chỉnh, vì vậy một số đặc điểm như kích thước mũi, miệng và tóc được dự đoán dựa trên số liệu thống kê. Nhưng kết quả cuối cùng là bản phục dựng hình dáng của chiến binh ở thời điểm qua đời. Các chuyên gia không rõ cú bổ bằng rìu có gây ra vết thương chí mạng hay không. "Rất khó xác định chỉ với hộp sọ. Nhưng chắc chắn một vết thương như vậy không dễ điều trị, nhất là vào thời kỳ chiến tranh", Moraes nói.
Sau trận chiến, cư dân ở Visby, thủ phủ của hòn đảo, đầu hàng để tránh thêm thương vong. Vua Valdemar IV của Đan Mạch được trả một khoản tiền chuộc khổng lồ và tuyên bố hòn đảo thuộc vương quốc của ông. Cả Thụy Điển và Đan Mạch tiếp tục tranh giành hòn đảo cho tới khi Hiệp ước Brömsebro thứ hai được ký kết vào năm 1645, sau thất bại của Đan Mạch trong trận chiến Torstenson. 5 ngôi mộ tập thể được phát hiện bên ngoài tường thành của Visby. Đợt khai quật khảo cổ đầu tiên năm 1905 hé lộ nhiều người chết vẫn còn mặc nguyên áo giáp.