Rác vệ tinh đe dọa nghiêm trọng bầu khí quyển
Hàng trăm vệ tinh hết hạn sử dụng rơi xuyên qua khí quyển Trái đất mỗi năm, và con số này đang tăng chóng mặt.
Cuộc đua không gian đang diễn ra khốc liệt với sự xuất hiện ồ ạt của các "chòm sao" vệ tinh nhằm cung cấp internet băng thông rộng toàn cầu. Tuy nhiên, điều này đang để lại hậu quả đáng lo ngại cho môi trường.
Hàng trăm vệ tinh hết hạn sử dụng rơi xuyên qua khí quyển Trái đất mỗi năm. (Ảnh minh họa: Getty Images)
Theo thống kê, hiện có khoảng 10.000 vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo, trong đó 2/3 thuộc về Starlink của SpaceX. Dự kiến đến thập kỷ 2030, con số này có thể lên tới 100.000 vệ tinh.
Vấn đề nằm ở chỗ các vệ tinh này được thiết kế "dùng một lần" - sau vài năm hoạt động sẽ bị đưa xuống quỹ đạo thấp và cháy rụi trong khí quyển. Mỗi vệ tinh khi phân hủy đều thải ra các kim loại vào bầu khí quyển.
Chuyên gia Daniel Murphy thuộc Phòng thí nghiệm Khoa học Hóa học NOAA cho biết: "Số lượng phóng vệ tinh đang tăng chóng mặt. Hai năm gần đây có khoảng 500 vụ rơi/năm và con số này có thể tăng lên 10.000 trong tương lai gần - tương đương một vụ rơi mỗi giờ".
Các nghiên cứu mới đây đã phát hiện dấu vết của hơn 20 nguyên tố kim loại khác nhau trong tầng bình lưu, bao gồm niobi và hafni - những kim loại được tinh chế từ quặng để làm hợp kim chịu nhiệt. Lượng kim loại như nhôm, đồng cũng vượt xa mức tự nhiên.
Đáng lo ngại hơn, các mảnh vỡ vệ tinh có thể tác động tiêu cực đến tầng ozon. Oxit nhôm - sản phẩm từ quá trình cháy của vệ tinh - được biết đến như chất xúc tác làm suy giảm tầng ozone.
Các nhà khoa học đang gấp rút nghiên cứu để đánh giá đầy đủ tác động của "rác vệ tinh" này. Chuyên gia José Ferreira, Đại học Nam California đề xuất cần đưa yếu tố môi trường vào giai đoạn thiết kế các sứ mệnh không gian.
"Chúng ta cần tìm hiểu rõ những tác động này trước khi tiếp tục phóng thêm vệ tinh," ông Murphy nhấn mạnh.