Rào chắn bong bóng “bẫy” chất thải nhựa trên sông ở Amsterdam
Ti vi cũ, biển báo trên đường phố, mũ bảo hiểm xe máy, cây thông Noel… khó tưởng tượng đó lại là rác thải bị rào chắn bong bóng “bẫy” được khi trôi xuống kênh Westerdok ở Amsterdam. Dòng bong bóng chạy bằng máy nén khí này được cho là phương cách đơn giản nhưng hiệu quả để ngăn chặn ô nhiễm nhựa chảy vào đại dương.
Theo ông Philip Ehrhorn, đồng sáng lập và Giám đốc công nghệ của The Great Bubble Barrier, doanh nghiệp xã hội Hà Lan đứng sau hệ thống này, rào chắn bằng bong bóng “bẫy” được 86% rác thải chảy ra sông IJssel và xa hơn nữa ra Biển Bắc.
Từ ý tưởng đến công nghệ hoàn chỉnh
Được chính quyền đô thị Amsterdam và cơ quan cấp nước của khu vực cho phép, hệ thống rào chắn bong bóng được lắp đặt vào tháng 10-2019 trong vòng chưa đầy 5 tiếng đồng hồ.
Một máy nén khí đưa không khí qua một ống đục lỗ chạy theo đường chéo dưới đáy kênh, tạo ra một dòng bong bóng để nâng chất thải lên bề mặt và dẫn chúng đến hệ thống thu gom. Để giảm thiểu tiếng ồn, máy nén được đặt cách hàng rào 50m, trong một container cải tạo và chạy bằng năng lượng tái tạo của Amsterdam.
Hiện tại, Great Bubble Barrier làm việc với cơ quan quản lý nước của Amsterdam và tổ chức phi chính phủ Plastic Soup Foundation để phân tích loại nhựa nào đã thu gom được nhằm giúp phát triển các chính sách mới về rác thải nhựa. Cơ quan quản lý nước của Amsterdam làm sạch chiếc giỏ có kích thước 1,8 x 2m tại hệ thống thu gom 3 lần một tuần. Chúng sẽ được phân loại và đưa vào tái chế.
Toàn cảnh hệ thống cột bong bóng thu gom chất thải nhựa trên sông IJssel ở Amsterdam, Hà Lan.
Với kiến thức nền tảng về kiến trúc hải quân và kỹ thuật đại dương, Philip Ehrhorn, người Đức, lần đầu tiên tạo ra rào chắn bong bóng khi ông đang theo một khóa học về kỹ thuật môi trường ở Australia. Tại một nhà máy xử lý nước thải, ông đã chứng kiến cách sử dụng bong bóng oxy để phân hủy các chất hữu cơ.
“Nó giống như một bể sục. Và những gì tôi nhận thấy là một số đồ vật bằng nhựa mà mọi người đã xả xuống nhà vệ sinh đang được gom lại ở một góc”, ông Philip Ehrhorn cho biết. Quan sát này đã khơi mào cho ý tưởng của ông và sau đó là công nghệ rào chắn bong bóng.
Khi đó, ông Ehrhorn không hề hay biết, 3 người phụ nữ Hà Lan khác là Anne Marieke Eveleens, Saskia Studer và Francis Zoet ở Amsterdam cũng đang thực hiện ý tưởng này. Họ đến quán bar vào một buổi tối để thảo luận về ô nhiễm nhựa. Nhìn vào những bong bóng trong cốc bia của mình, nguồn cảm hứng bắt đầu. Trong khi đó, tình cờ một người bạn của Ehrhorn đã xem video quảng cáo về ý tưởng của nhóm phụ nữ Hà Lan cho một cuộc thi mời gọi các giải pháp loại bỏ nhựa khỏi môi trường.
“Chúng tôi đã kết nối và nhận thấy rằng chúng tôi có cùng tầm nhìn và sứ mệnh. Vì vậy, tôi chuyển đến Hà Lan vào ngày hôm sau”, ông Ehrhorn nhớ lại. Cuối cùng, 4 người đã biến ý tưởng thành một công nghệ rào chắn bong bóng hoàn chỉnh lắp đặt trên sông IJssel của Amsterdam.
Giải pháp chống ô nhiễm chất thải nhựa
Ông Ehrhorn cho biết, phần lớn chất thải nhựa trong kênh Westerdok của Amsterdam đến từ các túi rác mà người dân địa phương bỏ lại bên ngoài nhà của họ. Nếu túi rách, gió và mưa có thể mang rác xuống kênh.
Có tới 80% nhựa đại dương được cho là đến từ các con sông và đường bờ biển. Trên toàn cầu, 11 triệu tấn rác thải nhựa đổ vào các đại dương mỗi năm, đe dọa cuộc sống của nhiều loài thủy sinh. Các mảnh vụn nhựa có kích thước dưới 5mm, được gọi là vi nhựa, gây nguy hiểm cho sinh vật biển vì dù chúng không thể tiêu hóa được nhưng lại bị nhầm là thức ăn của các loài cá, động vật không xương sống và động vật có vú ở đại dương.
Nhà sinh thái học bảo tồn chim biển Stephanie B. Borrelle là Điều phối viên Khu vực Biển và Thái Bình Dương của BirdLife International cảnh báo, dù chính phủ các nước đã đặt ra những cam kết đầy tham vọng, con người có thể thải 53 triệu tấn rác thải nhựa vào các hệ sinh thái biển và nước ngọt trên thế giới vào năm 2030.
Khi nghiên cứu về rào chắn bong bóng, bà Borrelle nhận xét: “Đó là một điều thực sự thú vị để chúng tôi xem xét, vì các loại rào cản khác được đặt trong môi trường nước có thể ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và động vật di chuyển qua hệ thống đó”. Bà Borrelle có đặt ra một số câu hỏi về công nghệ này như giải pháp là gì đối với các con sông rộng hay con sông có nhiều tàu thuyền qua lại, hoặc ở các nền kinh tế đang phát triển, họ sẽ cần một máy bơm có điện liên tục và bảo trì thường xuyên…
“Có một số hạn chế nhất định, nhưng theo tôi thấy, đó là một giải pháp quan trọng để giải quyết rác thải nhựa. Vấn đề về ô nhiễm nhựa thường không có một giải pháp duy nhất để khắc phục”, nhà khoa học này nói.