Robot biến hình khám phá địa hình gồ ghề
Các kỹ sư NASA thiết kế robot có thể tách thành hai nửa để leo trèo miệng hố trên sao Hỏa và nhiều địa hình hiểm trở khác.
DuAxle được đặt tên theo sự kết hợp giữa hai robot tự hành Axel hai bánh. Axel có thiết kế khá đơn giản với một sợi dây dài nối với phương tiện lớn hơn và giúp giữ cân bằng khi robot leo xuống và khám phá những miệng hố mà các robot tự hành khác không thể xử lý. Axel được trang bị cánh tay robot có thể thu thập mẫu vật cũng như camera lập thể để thu thập ảnh chụp.
Thiết kế của robot DuAxle. (Ảnh: NASA).
DuAxel kết hợp hai robot tự hành tân tiến này, với phần cuối đóng vai trò như mỏ neo và phần đầu có thể tách rời để khám phá địa hình gồ ghề. Khi DuAxel tìm thấy miệng hố, hốc lõm, sườn dốc hoặc địa hình gập ghềnh khác, nó có thể dừng lại, hạ thấp khung gầm và neo chặt xuống đất trước khi tách thành hai phần. Nửa sau của DuAxel đứng nguyên và nửa đầu tách ra, sử dụng sợi dây dài để bám vào mỏ neo và giữ thăng bằng khi thám hiểm. Phần này có thể được kéo trở lại sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Mùa thu năm ngoái, các kỹ sư ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA thử nghiệm mẫu robot ở sa mạc Mojave. "DuAxel vận hành cực tốt trên thực địa, thể hiện thành công khả năng tiếp cận địa hình khó khăn, neo giữ và tháo tách robot tự hành Axel có dây nối", Issa Nesnas, kỹ thuật viên robot ở JPL, cho biết. Nửa đầu của DuAxel có thể xử lý các sườn dốc và lởm chởm như kỳ vọng.
Trong khi robot hai bánh Axel cung cấp độ linh hoạt lớn hơn khi thám hiểm, robot 4 bánh truyền thống vẫn cần thiết khi phải băng qua những khoảng đất lớn trong thời gian ngắn. Nesnas và cộng sự đang bắt tay vào phát triển phiên bản Axel có thể nối với trạm đổ bộ. Nhưng họ nhanh chóng nhận thấy điều này gây bất lợi lớn khi cần tiếp đất với độ chính xác cực cao. Robot Axel cần phải ở gần miệng hố mà các nhà khoa học muốn khám phá. Vì vậy, DuAxel ra đời.
"Lợi thế chủ chốt của DuAxel trở nên rõ ràng khi không chắc chắn về khu vực tiếp đất như trên sao Hỏa, hoặc cần di chuyển địa điểm mới để khám phá", Patrick Mcgarey, kỹ thuật viên robot ở JPL, thành viên nhóm DuAxel, cho biết. Theo Mcgarey, về cơ bản, DuAxel là robot biến hình phục vụ khám phá hành tinh.
Trong khi chủ yếu dùng để nghiên cứu sao Hỏa, mẫu robot có thể tiếp cận nhiều loại địa hình khác chưa từng được khám phá trong Hệ Mặt trời như Mặt trăng, hay thậm chí thiên thể đóng băng như vệ tinh Europa của sao Mộc. Thay vì đề phòng những mối đe dọa như bị đổ hoặc lật giống các robot trước, DuAxel được thiết kế để khắc phục. Mẫu robot này chưa được thử nghiệm trong vũ trụ do đang chờ quyết định điểm đến.

Năm ánh sáng là gì? Một năm ánh sáng bằng bao nhiêu km?
Năm ánh sáng là đơn vị đo thông dụng ngoài vũ trụ bao la, rộng lớn. Và người ta thường nhầm lẫn nghĩ rằng đây là đơn vị đo thời gian.

Sẽ ra sao nếu bạn rơi vào hố đen vũ trụ?
Thật khó tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra khi rơi vào một hố đen. Một mô phỏng mới đây đã hé lộ trải nghiệm kinh hoàng này.

Thiên Vương Tinh - Hành tinh kỳ lạ nhất Hệ Mặt Trời
Cho tới khi chưa tìm ra được Hành tinh thứ 9 (chỉ mới là giả thuyết), Thiên Vương Tinh (Uranus) vẫn là hành tinh "khác người" nhất so với 7 hành tinh còn lại của hệ Mặt Trời chúng ta.

Những sự thật "khó tin nổi" về sao Thiên vương
Sao Thiên vương có thể chứa được 63 Trái đất bên trong nó, mùa hè ở đây kéo dài tới 42 năm, sao Thiên vương chỉ có 2 mùa.... đây là những sự thật khó tin, ít người biết về sao Thiên Vương.

Tổng quan về sao Thiên Vương
Sao Thiên Vương là hành tinh thứ bảy tính từ Mặt Trời; là hành tinh có bán kính lớn thứ ba và có khối lượng lớn thứ tư trong hệ.

Hàng tỉ nền văn minh ngoài hành tinh đã và đang tồn tại
Các nhà khoa học tính toán và gần như chắc chắn nhiều nền văn minh ngoài Trái đất đã và đang tồn tại trong vũ trụ này.
