Siêu đập thủy điện đe dọa cá tra đầu sông Mekong
Dự án xây đập Nam Sang cùng nhiều đập thủy điện mới khác của Lào có thể tác động xấu tới sự sinh tồn của những loài cá khổng lồ như cá tra dầu.
Trong quá khứ, một số loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới từng bơi khắp sông Mekong, qua thành phố Luang Prabang của Lào. Cá tra dầu to như gấu xám Bắc Mỹ, cá trà sóc, cá vồ cờ và nhiều loài cá khổng lồ khác từng bơi qua những đền thờ Phật giáo, những nhà bằng gỗ truyền thống... trên đường tới nơi đẻ trứng ở phương bắc. Sau nhiều thập kỷ bị đánh bắt quá mức trên sông Mekong, ngày nay, chúng rất hiếm khi xuất hiện. Dù vậy, nhiều nhà khoa học phát hiện chừng nào sông Mekong ở phía nam Trung Quốc chưa bị đập nước chặn dòng, đánh bắt ở quy mô nhỏ và nỗ lực bảo tồn có thể giúp những loài cá cực kỳ nguy cấp phục hồi.
Zeb Hogan thả một con cá tra dầu sông Mekong đã gắn thẻ vào năm 2007. (Ảnh: Zeb Hogan)
Nhưng hy vọng đó dường như đang tắt dần khi Lào lên kế hoạch xây dựng ít nhất 10 đập nước mới trên nhánh chính của sông Mekong trong thập kỷ tới. Một trong những dự án đầu tiên là Nam Sang, nhà máy thủy điện quy mô lớn xây ở thượng nguồn Luang Prabang. Chính phủ Lào đã xây dựng hàng chục đập nước ở các phụ lưu sông Mekong. Họ hy vọng đập nước mới như Nam Sang, dự kiến hoàn thành năm 2027, sẽ tạo ra thu nhập thông qua bán điện cho các quốc gia láng giềng, bao gồm Thái Lan.
"Nếu những dự án xây đập này tiến triển, khúc sông Mekong từng là môi trường sống và nơi sinh sản của một số loài cá khổng lồ sẽ bị chia thành nhiều đoạn nhỏ hơn", Zeb Hogan, nhà sinh vật học chuyên về cá ở Đại học Nevada, Reno, đã nghiên cứu cá khổng lồ sông Mekong trong hơn hai thập kỷ, cho biết. "Đối với loài cá cần dòng nước chảy tự do để sinh tồn, điều này có thể là án tử".
Ngoài cá tra dầu sông Mekong, cá heo, cá sấu và nhiều động vật nước ngọt lớn khác cũng bị đe dọa bởi đập nước mới. Trên khắp thế giới, có hơn 3.400 dự án thủy điện quy mô đang trong quá trình hoạch định hoặc xây dựng, phần lớn tập trung ở những dòng sông đa dạng sinh học tại vùng nhiệt đới, theo nghiên cứu gần đây trên tạp chí Biological Conservation của Fengzhi He, nhà chuyên gia ở Viện sinh thái học nước ngọt và ngư nghiệp nội địa Leibniz ở Đức, cho biết. Theo nghiên cứu, đập nước tác động mạnh tới những động vật lớn nhất sống trên sông. Nếu được xây dựng, công trình sẽ khiến khả năng sinh tồn của nhiều loài nước ngọt.
"Đây là mô hình chúng tôi đã thấy ở nhiều sông nhiệt đới khác như Amazon và Congo, nhưng sông Mekong là điển hình của vấn đề này. Việc phát triển thủy điện ngày càng nhanh sẽ kéo theo nguy cơ tuyệt chủng của vài loài động vật tiêu biểu nhất thế giới".
Quần thể động vật nước ngọt lớn bao gồm các loài nặng trung bình trên 30 kg, nằm trong số động vật nguy cấp nhất trên Trái đất. Số lượng trên toàn cầu của chúng đã giảm gần 90% từ năm 1970, nhanh gấp đôi mức độ biến mất của động vật có xương sống trên đất liền hoặc ở đại dương, theo một nghiên cứu năm 2019 trên tạp chí Global Change Biology. Loài cá lớn như cá tầm, cá hồi và cá tra dầu, đặc biệt ở Bắc bán cầu, thậm chí trải qua sự sụt giảm mạnh hơn do nạn đánh bắt quá mức, ô nhiễm và xây đập.
Sông Mekong chảy qua 6 nước là tập trung nhiều cá lớn hơn bất kỳ hệ thống sông nào trên thế giới. Nhưng trong số những loài lớn nhất tìm thấy ở đây, gần như tất cả đều trong tình trạng cực kỳ nguy cấp. Ví dụ, Hogan chưa nhìn thấy con cá tra dầu sông Mekong nào từ năm 2015. Các chuyên gia bảo tồn hy vọng đập nước mới sẽ xây theo mô hình ít gây tổn hại như hai siêu đập thủy điện đang vận hành ở nhánh chính của sông Mekong.
Một công trình là đập Don Sahong xây ở nơi sông Mekong phân nhánh, cung cấp cho cá con đường khác quanh đập. Trong khi đó, dự án đập Xayaburi của Thái Lan dành hơn 300 triệu USD để giúp cá bơi qua đập, bao gồm lắp các thang cá.
Không chỉ ngăn cá di chuyển, đập thủy điện còn thay đổi điều kiện thủy văn mà cá di cư dựa vào để kiếm ăn và đẻ trứng. Sông Mekong được điều tiết bởi nhịp lũ khiến mực nước dâng cao tới 12 m vào mùa mưa. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhịp lũ bị gián đoạn bởi hạn hán trong khu vực và do Trung Quốc giữ nước từ các đập ở thượng nguồn, theo dữ liệu vệ tinh từ Trung tâm Stimson.
Dữ liệu đó cũng cho thấy trong 3 năm qua, mực nước trên hệ thống sông Mekong chạm mức thấp trong lịch sử. "Đối với loài cá tiến hóa để di cư ở đầu nhịp lũ, dòng chảy bị thay đổi có thể tạo ra sự sai lệch giữa thời điểm cá di cư và điều kiện môi trường lý tưởng cho con non", nhà sinh thái học bảo tồn Aaron Koning ở Đại học Nevada, Reno, cho biết.