Sinh con khi bố nhiều tuổi, thế hệ cháu dễ bị tự kỷ
Những ông bố nhiều tuổi mới sinh con, nguy cơ mắc bệnh tự kỷ ở thế hệ tiếp theo (thế hệ cháu) có thể cao hơn so với những ông bố sinh con khi còn trẻ.
Đây là kết luận của một nhóm các nhà khoa học quốc tế trong công trình nghiên cứu công bố ngày 20/3 trên tạp chí Tâm thần học (Psychiatry) của Hiệp hội Y khoa Mỹ.
Các nhà khoa học Anh, Thụy Điển và Australia đã tiến hành phân tích số liệu của gần 37.000 người lớn ở Thụy Điển, trong đó có 6.000 người mắc bệnh tự kỷ, từ những năm 1932, bao gồm độ tuổi sinh nở của hai bên ông bà nội, ngoại và các chuẩn đoán về các bệnh tâm thần nếu có.
Kết quả cho thấy những ông bố trên 50 tuổi mới sinh con thì tỷ lệ mắc bệnh tự kỷ của thế hệ cháu sẽ cao hơn 1,8 lần so với những ông bố tuổi từ 20-24 nếu thế hệ thứ hai là con gái, còn nếu thế hệ thứ hai là con trai thì tỷ lệ này cao hơn là 1,67 lần.
Triển lãm những tác phẩm của trẻ tự kỷ
Kết quả nghiên cứu gây ngạc nhiên vì từ trước đến nay chúng ta chỉ biết rằng những ông bố nhiều tuổi thường sinh ra những đứa con dễ bị bệnh trầm cảm và tự kỷ. Nhưng giờ đây đã có những bằng chứng khoa học cho thấy bệnh tự kỷ có thể di truyền qua nhiều thế hệ.
Giải thích cơ chế di truyền này, các nhà khoa học cho rằng đột biến xảy ra trong các tế bào tinh dịch qua thời gian, và mỗi lần các tế bào này tách ra, những đột biến gene mới có thể xuất hiện trong bộ gene của đứa trẻ.
Vì vậy, nếu các đột biến gene này không gây bệnh tự kỷ ở thế hệ thứ hai, thì có thể sẽ tích lại và biểu hiện ra ở những thế hệ tiếp theo. Tuy nhiên, tỷ lệ trên vẫn còn tương đối thấp để khuyến cáo những người có bố tuổi cao không nên sinh con.
Cùng ngày, tạp chí nói trên cũng đăng một nghiên cứu khác kết luận rằng những bà mẹ đã từng bị cưỡng hiếp khi còn trẻ sinh con dễ bị tự kỷ.
Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Y khoa Harvard đã điều tra hồ sơ của hơn 52.000 bà mẹ, trong đó có 451 bà mẹ có con mắc bệnh tự kỷ. Kết quả cho thấy những đứa con của các bà mẹ từng bị lạm dụng về thể chất và tinh thần có nguy cơ bị tự kỷ cao hơn tới 61% so với những đứa con của các bà mẹ không bị lạm dụng.
Tự kỷ là một bệnh rối loạn phát triển của hệ thần kinh biểu hiện rối loạn tâm thần. Những trẻ em bị tự kỷ thiếu hay chậm phát triển về khả năng liên hệ qua lại trong xã hội, không sử dụng được ngôn ngữ trong sinh hoạt xã hội, không thông hiểu hình ảnh ký hiệu và không biết chơi các trò cần sức tưởng tượng.
Bệnh này thường biểu hiện trước 3 tuổi. Ở Mỹ, cứ trung bình 88 trẻ thì có một trẻ bị tự kỷ, trong khi ở châu Âu tỷ lệ này là 1/100.