Tại sao chúng ta hay đói về đêm?
Cứ đến tối khoảng sau 23h giờ là chúng ta lại có cảm giác đói và thèm ăn, nếu khoảng thời gian này mà lướt Facebook thấy ai up hình đồ ăn thì như "tê tái" tâm hồn. Vậy tại sao chúng ta lại hay đói đêm? Trong khi cả ngày đã ăn đủ 3 bữa nhưng đến đêm khi đi ngủ vẫn cứ đói?
Dưới đây là những nghiên cứu chỉ ra việc cơ thể dễ bị đói đêm, gồm nhiều nguyên nhân khác nhau:
Đói vào ban đêm như một "phản xạ" từ não bộ
Một nghiên cứu từ trường đại học Harvard và đại học Y tế & Khoa học Oregon chỉ ra rằng nếu như bạn hay đói vào ban đêm, đó như một hành động cảm xúc của đồng hồ sinh học của mỗi người bất kể người đó có ăn kiêng hay không. Nghe có vẻ khó hiểu ư? - Đại khái nghiên cứu của trường Oregon như sau: Họ tập hợp một nhóm người tình nguyện chỉ ăn và ngủ trong một căn phòng, với điều kiện không smartphone, không TV, không đi đâu và gặp gỡ bạn bè xuyên suốt 2 tuần. Trong căn phòng đó được thiết lập đèn mờ mờ, đóng kín hết cửa để tạo cảm giác luôn luôn là ban đêm.
Kết quả cho thấy nhóm người này luôn cảm thấy đói nhất là vào ban đêm trong khi họ đều không thể phân biệt đươc thật chất đang là ngày hay đêm.
Ban đêm là thời điểm khiến não được “rảnh rỗi”, dễ nghĩ đến đồ ăn và thức uống.
Kết luận từ nhà nghiên cứu từ đại học Oregon cho rằng việc đói bụng chính là từ thần kinh ở vùng dưới đồi của não người (hypothalamus).
Ngoài ra ban đêm là thời điểm khiến não được “rảnh rỗi”, dễ nghĩ đến đồ ăn và thức uống. Điều này cũng sẽ gây nên cảm giác đói, thèm ăn.
Đói vào ban đêm xuất phát từ việc bạn ăn không đủ chất hoặc ăn uống thiếu khoa học trong ngày
Tất nhiên không thể không nói đến việc đói đêm còn phụ thuộc vào bạn ăn uống gì trong ngày, có thể là ăn không đủ hoặc cơ thể không hấp thụ đủ lượng vitamin và khoáng chất. Ví dụ nếu ban đêm bạn thèm ngọt, chứng tỏ cơ thể bạn trong ngày thiếu chất ma-giê. Hoặc nếu thèm đồ mặn như ăn thịt thì trong cơ thể bạn không nạp đủ lượng canxi và sắt.
Đó là lý do các bác sĩ hay chuyên gia dinh dưỡng luôn khuyên chúng ta ăn uống đủ các chất trong ngày và uống nhiều nước. Khi có đủ chất trong bữa ăn, cơ thể sẽ hấp thụ đầy đủ dinh dưỡng cần thiết và xua tan đi cảm giác dễ bị đói bụng.
Một điểm cần lưu ý, theo chuyên gia dinh dưỡng - Jessica Cording cho rằng không nên nạp quá nhiều thực phẩm thuộc nhóm carb đơn vào cơ thể trong một ngày như chất ngọt từ ngũ cốc, bánh kẹo, hay các thành phần từ sữa. Bởi vì cơ thể hấp thụ và đốt nhóm chất này rất nhanh, gây ra tình trạng dễ bị đói.
Ăn đêm dễ béo, dễ khiến bạn bỏ bữa sáng
"Ăn đêm dễ bị mập/béo lắm" - nhận định này không sai, một phần do thói quen nạp quá nhiều nhóm carb đơn như kẹo, nước ngọt có gas,... vì nó được chế biến bằng đường đã tinh chế, không có giá trị dinh dưỡng. Hay những thực phẩm từ bột gạo, đồ chiên, dầu mỡ. Thật ra thì ăn sai chế độ dinh dưỡng thì vẫn béo chứ không chỉ nói riêng về ăn đêm.
Để tránh ăn đêm, bạn cần tập thói quen ngủ sớm và dậy sớm, thói quen này sẽ ảnh hưởng tích cực đến cây kim đồng hồ sinh học của bạn để tránh cảm giác bị đói. Thiếu ngủ, hay ngủ trễ sẽ làm bạn dễ đói mà thôi.
Nhớ đừng bỏ bữa sáng, cho dù bạn không đói thì cũng đừng bỏ bữa. Đây là bữa ăn rất quan trọng nhất và để tránh tình trạng cơ thể bị đói ở những bữa khác.