Tên lửa Trung Quốc rơi gần Maldives
Một mảnh lớn từ tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc rơi xuống vùng biển gần quốc đảo Maldives trên Ấn Độ Dương ngày 9/5.
Vị trí tên lửa rơi xuống thuộc Ấn Độ Dương và gần quốc đảo Maldives. Chưa có báo cáo về việc liệu các mảnh vỡ từ tên lửa này có rơi trúng đất liền hay không, theo kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV.
Theo đó, mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5B bốc cháy và tan rã trên Ấn Độ Dương, sau khi rơi trở lại bầu khí quyển của Trái đất.
Phần tên lửa quay trở lại Trái đất có chiều dài hơn 33 m và nặng hơn 20 tấn. Đây là vật thể có kích thước lớn thứ 6 từng quay trở lại khí quyển, theo một cơ quan nghiên cứu được chính phủ Mỹ tài trợ.
"Sau khi theo dõi và phân tích, mảnh vỡ từ tên lửa Trường Chinh 5B đã rơi vào khi quyển vào lúc 10h24 (theo giờ Bắc Kinh, tức 2h24 theo giờ GMT). Các mảnh vỡ đáp ở điểm có tọa độ 72,47 kinh độ Đông, 2,65 vĩ độ Bắc", CCTV dẫn lời nhà chức trách Trung Quốc.
Tên lửa Trường Chinh 5B phóng bộ phận mới của trạm vũ trụ Trung Quốc vào quỹ đạo ngày 29/4. (Ảnh: Reuters).
Nhà chức trách Trung Quốc xác nhận phần lớn tên lửa đã tan rã và bị phá hủy trong quá trình quay trở lại khí quyển. Dự án Space Track của quân đội Mỹ cũng khẳng định điều này.
"Những người theo dõi việc tên lửa Trường Chinh 5B quay lại khí quyển có thể thở phào. Tên lửa đã bị phá hủy", công ty trên cho biết trên Twitter.
Tháng 5/2020, một vài mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5B đã rơi xuống Bờ Biển Ngà và làm hư hại một vài tòa nhà, song không ghi nhận thương vong nào.
Giám đốc NASA Bill Nelson chỉ trích Trung Quốc, cho rằng các nước "cần giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến Trái đất khi các vật thể quay trở lại khí quyển, và tối đa sự minh bạch trong các nhiệm vụ".
"Rõ ràng Trung Quốc đã không tuân theo các tiêu chuẩn trách nhiệm đối với rác thải không gian", ông Nelson nói.
Reuters dẫn lời nhà vật lý thiên văn Jonathan McDowell của Đại học Harvard cho rằng các nước cần thiết kế tàu vũ trụ của họ để chúng rơi một cách có kiểm soát xuống các khu vực không có người.
"Các nhà khoa học Trung Quốc có vẻ lười biếng khi họ không giải quyết vấn đề này", ông McDowell nói.
Các đoạn video trên mạng xã hội cho thấy quả tên lửa nặng hơn 22 tấn đã để lại một vệt dài trên bầu trời Oman, khi phần lớn tên lửa này đã bị đốt cháy trên khí quyển. Hiện chưa có báo cáo nào về thiệt hại mà các mảnh vỡ gây ra.
Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ đã theo dõi quỹ đạo tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc nhiều ngày qua sau lo ngại xác tên lửa mất kiểm soát sẽ rơi xuống Trái đất. Vị trí của nó sẽ được Đội Kiểm soát Không gian số 18 cập nhật hàng ngày qua trang web Space Track.
Cơ quan Vũ trụ châu Âu từng dự đoán “vùng rủi ro” bao trùm gần như toàn bộ phần nước Mỹ về phía nam của New York, toàn bộ châu Phi và châu Úc, một phần châu Á ở phía nam Nhật Bản, cùng một số nước châu Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy, và Hy Lạp.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng phần lớn mảnh vỡ sẽ cháy hết trong quá trình trở lại Trái đất và khó có khả năng gây ra nguy hại gì.
Tên lửa Trường Chinh 5B được sử dụng để phóng bộ phận mới của trạm vũ trụ Trung Quốc vào quỹ đạo vào ngày 29/4. Nhưng sau đó, quả tên lửa rơi vào tình trạng mất kiểm soát cho tới khi dần bị trọng lực Trái đất kéo xuống đất.
Đây là sự cố thứ 2 liên quan đến dòng tên lửa Trường Chinh 5B. Năm ngoái, một mảnh vỡ 12 m của loại tên lửa này đã rơi xuống ngôi làng tại Bờ Biển Ngà, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và nhà ở.