Thắc mắc thường gặp về cúm gia cầm lây cho người
Cách bệnh lây sang người, triệu chứng, thời gian tồn tại của virus và tính an toàn khi sử dụng sản phẩm từ gia cầm là thắc mắc thường gặp về cúm A/H5.
Thông tin được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM khuyến cáo cộng đồng.
Cúm A/H5 là bệnh truyền nhiễm cấp tính đặc biệt nguy hiểm do virus gây ra.
Bệnh có khả năng lây nhiễm cao ở các loài chim và gia cầm, thỉnh thoảng lây nhiễm cho con người từ động vật. Bệnh khó lây nhiễm từ người sang người.
Cúm gia cầm có khả năng gây ra các biến chứng và nguy cơ tử vong cao ở người.
Cúm A/H5 lây sang người như thế nào?
Cúm gia cầm xảy ra trên các loài gia cầm như gà, gà tây, vịt, ngan, ngỗng, chim cút, bồ câu, đà điểu, chim hoang dã và động vật có vú, từ đó lây nhiễm sang người.
Bệnh có khả năng lây nhiễm cao ở các loài chim và gia cầm.
Hầu hết trường hợp nhiễm bệnh ở người liên quan đến tiếp xúc gần với gia cầm sống hoặc chết do bệnh, hoặc môi trường chứa mầm bệnh.
Không có bằng chứng về việc bệnh lây sang người qua thực phẩm được chế biến đúng cách và nấu chín kỹ, cũng như lây truyền từ người sang người.
Triệu chứng cúm A/H5 ở người?
Các triệu chứng nhiễm bệnh có thể bao gồm:
- Sốt (thường sốt cao trên 38 độ C).
- Khó chịu.
- Ho.
- Đau họng.
- Đau cơ.
- Các triệu chứng khác như đau bụng, đau ngực, tiêu chảy.
- Bệnh có nguy cơ diễn tiến nặng và dẫn tới tử vong.
Virus cúm A/H5 có ở đâu?
Virus có trong hầu hết cơ quan nội tạng của động vật mắc bệnh, nhiều trong phân, dịch tiết như nước mũi và nước bọt của con vật bệnh.
Virus gây bệnh có thể tồn tại trong bao lâu?
Virus thường sống lâu hơn trong không khí ở độ ẩm thấp và trong phân ở điều kiện nhiệt độ thấp, độ ẩm cao. Chúng có thể sống tới 35 ngày trong chuồng nuôi có nhiệt độ thấp, tới 3 tháng trong phân gia cầm mắc bệnh.
Dấu hiệu nào nhận biết gia cầm mắc bệnh?
Cúm gia cầm thể độc lực cao có thời gian ủ bệnh ngắn, thường 1-3 ngày và có thể dài hơn tùy theo độc lực của virus.
Gà thường biểu hiện triệu chứng đi không bình thường, mệt mỏi, nằm tụ tập từng đám. Biểu hiện ở đường hô hấp, sưng viêm mí mắt, chảy nhiều nước mắt. Nhiều con gà bị sưng khớp, sưng phù đầu và mặt, mào và tích tím tái, xuất huyết dưới da. Gà cũng bị tiêu chảy, phân loãng màu trắng hoặc trắng xanh.
Vịt thường mang mầm bệnh nhưng ít khi có biểu hiện triệu chứng lâm sàng và là nguồn chủ yếu gieo rắc mầm bệnh ra môi trường.
Sử dụng sản phẩm từ gia cầm và chim có an toàn?
Sử dụng các sản phẩm từ gia cầm và các loài chim khác chỉ an toàn khi được chế biến và nấu chín đúng cách vì virus "nhạy cảm" với nhiệt độ. Nhiệt độ thường khi nấu ăn sẽ tiêu diệt được chúng.