Thử nghiệm đèn giao thông cho người dán mắt vào smartphone
Các đèn LED đỏ chiếu sáng vỉa hè bên dưới được kỳ vọng sẽ giúp người đi bộ đang mải xem smartphone chú ý hơn vào giao thông.
Giải pháp mới được thử nghiệm để đảm bảo an toàn cho người sang đường trong bối cảnh ngày càng có nhiều người đi bộ dán mắt vào điện thoại và gặp tai nạn, Bloomberg hôm 24/8 đưa tin. Thử nghiệm diễn ra tại 4 địa điểm và kéo dài 6 tháng.
Đèn LED đỏ chiếu sáng một điểm qua đường ở Hong Kong nhằm cảnh báo người đi bộ dừng lại. (Ảnh: Billy HC Kwok/Bloomberg)
"Với sự phổ biến ngày càng tăng của smartphone, nhiều người đi bộ bị phân tâm", kỹ sư điều khiển giao thông Alex Au cho biết. Thay vì chỉ dựa vào tín hiệu đèn đỏ hình người truyền thống để cảnh báo dừng, các nhà chức trách đã lắp đặt đèn LED chiếu sáng các điểm qua đường bằng ánh sáng đỏ. Họ hy vọng những người đang cúi đầu nhìn điện thoại sẽ thấy vỉa hè bên dưới sáng đèn và dừng lại.
Hàng thập kỷ qua, các chuyên gia đã phát triển nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho người đi bộ sang đường. Các tín hiệu âm thanh khác nhau, từ tiếng chim kêu đến giai điệu nhịp nhàng được sử dụng để giúp đỡ người khiếm thị. Một số nước như Australia lắp đặt các bảng báo hiệu rung để người khiếm thị hoặc khiếm thính chạm vào và biết khi nào có thể qua đường an toàn.
Sự phân tâm do smartphone gây ra tiếp tục thúc đẩy những giải pháp mới ra đời. Seoul, thủ đô của Hàn Quốc, lắp đặt đèn LED màu đỏ và xanh lá cây ở rìa các giao lộ, trong khi các thành phố Cologne và Augsburg của Đức thử nghiệm các dãy đèn LED tại những điểm giao cắt với tuyến xe điện.
Cuộc thử nghiệm đèn tín hiệu mới gây ra những phản ứng khác nhau. Tại một điểm thử nghiệm ở Vịnh Causeway, người đi bộ Shirley Chan cho biết, đèn LED giúp cô chú ý lại vào giao thông thay vì điện thoại. Tuy nhiên, cô cũng cho rằng mọi người sẽ sớm quen với nó và coi như không tồn tại. Tại một điểm qua đường khác, người đi bộ Alex Chan nhận xét ánh đèn trông kỳ dị và có thể khiến một số người cảm thấy sợ.
Hendrik Tieben, giám đốc Trường Kiến trúc thuộc Đại học Trung văn Hong Kong, hoan nghênh thử nghiệm nhưng cảnh báo rằng nhiều điểm qua đường ở Hong Kong vẫn nguy hiểm vì không có bất kỳ loại báo hiệu nào. "Một trong những vấn đề lớn nhất của tôi là sự nguy hiểm khi người đi bộ dùng điện thoại ở những điểm sang đường không có báo hiệu", Tieben cho biết. Ông ủng hộ giải pháp giảm tốc độ giới hạn xuống 30 km/h trên những con phố mà người đi bộ và người đạp xe cùng hòa vào dòng xe cộ.