Tìm thấy hóa thạch hiếm của cá mập bị đồng loại ăn thịt
Các nhà nghiên cứu phát hiện từ thời cổ đại cá mập đã săn tất cả con mồi, bao gồm những loài cá mập khác, dựa trên 4 hóa thạch hiếm gặp.
Trong 4 phát hiện riêng biệt, các nhà nghiên cứu và thợ săn hóa thạch nghiệp dư tìm thấy xương sống của những loài cá mập ngày nay đã tuyệt chủng. Cả 4 xương sống đều bao phủ bởi những vết cá mập cắn và 2 trong số đó vẫn còn nhiều chiếc răng nhọn cắm vào. Loạt phát hiện này rất đáng chú ý bởi xương cá mập cấu tạo từ sụn và hiếm khi lưu lại dưới dạng hóa thạch.
Mô phỏng hành vi ăn thịt đồng loại của cá mập cổ đại. (Ảnh: Tim Scheirer).
Phát hiện mới cho thấy cách đây hàng triệu năm, cá mập cổ đại đã ăn thịt đồng loại ở vùng ven biển phía đông nước Mỹ. "Cá mập đã săn giết lẫn nhau trong hàng triệu năm nhưng những tương tác kiểu này hiếm khi được ghi nhận do số lượng sụn lưu lại rất nghèo nàn", đồng tác giả nghiên cứu Victor Perez, trợ lý quản lý cổ sinh vật học ở Bảo tàng biển Calvert ở Solomons, Maryland, cho biết.
Trong hàng thập kỷ, giới nghiên cứu đã biết về hành vi ăn thịt đồng loại của cá mập. Đó là hành vi thường gặp ở những loài cá mập còn sống, bao gồm cá mập yêu tinh, cá mập miệng to, cá mập phơi, cá mập mako và cá mập trắng lớn. Thậm chí, cá mập non ăn thịt anh chị em trong tử cung con mẹ.
Cá mập cổ đại để lại vết cắn trên vô số động vật tiền sử như trên xương động vật biển có vú, cá vây tia và bò sát, thậm chí dực long, loài bò sát bay sống ở thời khủng long. Tuy nhiên, bằng chứng cá mập tấn công đồng loại rất hiếm gặp. Bằng chứng lâu đời nhất về hành vi ăn thịt đồng loại của cá mập là từ kỷ Devon (cách đây 419,2 đến 358,9 triệu năm), khi cá mập Cladoselache ăn một con cá mập khác và xác con mồi trở thành hóa thạch trong ruột của nó.
Trong nghiên cứu công bố hôm 7/12 trên tạp chí Acta Palaeontologica Polonica, nhóm nghiên cứu kiểm tra 3 hóa thạch cá mập tìm thấy ở vách đá Calvert tại vùng ven biển Maryland từ năm 2002 đến 2016, và hóa thạch thứ 4 ở mỏ phosphat tại Bắc Carolina vào thập niên 1980. Tất cả hóa thạch đều có niên đại từ kỷ Neogene (cách đây 23,03 đến 2,58 triệu năm), thời kỳ loài cá mập lớn nhất trong lịch sử là megalodon (Otodus megalodon), sinh sống khắp các đại dương. Tuy nhiên, cá mập megalodon không liên quan tới những vụ tấn công này.
Khác với xương rắn chắc, sụn cá mập là mô mềm tạo bởi những hình lăng trụ lục giác cực nhỏ, sẽ nhanh chóng vỡ ra sau khi con vật chết. Bốn hóa thạch lưu lại đều là centra, đốt sống tạo thành cột sống. Theo Perez, centra chứa sụn bị canxi hóa mạnh hơn nên được bảo quản nguyên vẹn hơn những phần xương khác. Các nhà nghiên cứu chưa rõ vết cắn là kết quả từ một vụ tấn công chủ động hay lúc ăn xác thối. Tuy nhiên, một hóa thạch ở Maryland có hai chiếc răng dài 4 cm nhô ra, chứng tỏ con cá mập sống sót sau cuộc đụng độ.
Phân tích xương hé lộ nạn nhân thuộc lớp Cá sụn gồm 282 loài còn sống ngày nay, trong đó có cá mập bò, cá mập hổ và cá mập đầu búa. Dựa theo hình dáng, hóa thạch với hai chiếc răng cắm vào thuộc họ Cá mập mắt trắng. Chiếc răng sót lại có thể đến từ một con cá mập Carcharhinus hoặc Negaprion.
Một mẫu vật khác ở Maryland dường như cũng đến từ họ Carcharhinidae có những vết cắn từ vài kẻ tấn công, có thể là cá sụn, cá nhám thu hoặc cá xương. Mẫu vật thứ ba có thể thuộc về chi Galeocerdo với loài duy nhất còn sống ngày nay là cá mập hổ (G. cuvier). Chiếc răng cắm vào và vết hình tròn trên mẫu vật chứng tỏ tất cả xương centra đều bị cắn rất mạnh.