Toa tàu điện ngầm biến thành nơi trú ngụ của các sinh vật biển
Các toa tàu từng chật kín người ở thành phố Atlanta, Mỹ giờ đây đang nằm sâu gần 20 mét dưới Đại Tây Dương với những chú cá, rùa biển và san hô.
Cuối năm ngoái, Cơ quan quản lý vận tải công cộng tốc hành đô thi Atlanta (MARTA) đã cho hai toa tàu xuống biển Georgia, là một phần của chương trình phát triển môi trường sống của rạn san hô và động vật hoang dã biển Dự án Rạn san hô của Sở Tài nguyên Thiên nhiên Georgia (DNR). Mọi vật liệu nguy hiểm đều đã được loại bỏ và kiểm tra bởi Cảnh sát biển Mỹ.
Các toa tàu MARTA trở thành nơi trú ẩn an toàn của các sinh vật biển dưới đại dương. (Ảnh: MARTA).
Vào tháng 8, Sở Tài nguyên Bờ biển DNR đã thực hiện lần lặn đầu tiên để kiểm tra các toa tàu và phát hiện san hô mềm bắt đầu phát triển và có ít nhất chín loài cá săn mồi ở đây.
Cameron Brinton, nhà sinh vật học biển thuộc Sở Tài nguyên Bờ biển DNR cho biết, theo thông cáo báo chí từ MARTA, "Rạn san hô nhân tạo trông rất tuyệt và chúng tôi rất vui mừng trước sự phát triển của san hô và hoạt động của sịnh vật biển".
Những chú cá bơi trong rạn san hô trong toa tàu MARTA ở Đại Tây Dương. (Ảnh: MARTA).
“Bạn sẽ thấy một chiếc mái toa tàu đã bị sập xuống và đây là một hiện tượng bình thường, chúng ta còn sẽ chứng kiến nhiều thay đổi của các toa tàu khi chúng trở thành một phần thiết yếu của môi trường biển, bao gồm cả loài cá phổ biến hay rùa biển có nguy cơ tuyệt chủng”, Brinton nói thêm.
Toa tàu điện ngầm không phải là thứ duy nhất mà thợ lặn và cần thủ có thể tìm thấy ở Rạn san hô nhân tạo này. Ngoài ra còn có xe tăng chiến đấu M-60 của Quân đội Mỹ, xà lan, tàu kéo và thậm chí cả toa tàu điện ngầm của thành phố New York.
Theo MARTA, rạn san hô này được phát triển lần đầu tiên vào năm 1976 và là một trong 32 mạng lưới rạn san hô ngoài khơi. Nhưng việc thả những cấu trúc nhân tạo (làm từ bê tông hay các loại vật liệu cứng khác) để mô phỏng các rạn san hô đã có từ nhiều thế kỷ trước.
DNR cảnh báo về những nguy hiểm cho thợ lặn muốn khám phá các toa tàu đang chìm dưới đại dương "chủ yếu việc này giúp tạo ra môi trường sống cho nghề cá... Xác tàu đắm và các vật liệu khác có thể sẽ trở nên không ổn định theo thời gian và sẽ sụp đổ".
Theo Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Georgia, vào những năm 1700, ngư dân Nhật Bản cũng từng đánh chìm các tàu thuyền cũ và đẩy xuống vùng biển địa phương để cải thiện hoạt động đánh bắt cá.