Top 7 cách để giảm cảm giác lo lắng, căng thẳng hiệu nghiệm tức thì chỉ trong vài giây
Những lúc bị hồi hộp, căng thẳng, bạn có thể bình tâm lại nhanh chóng khi áp dụng một số thủ thuật điều chỉnh tâm lý sau.
Những cách cải thiện cảm giác lo lắng
Cảm giác lo lắng, hồi hộp là cảm xúc chúng ta không thể tránh được trong cuộc sống hằng ngày. Nếu bạn cần thả lỏng, cân bằng lại tâm trạng ngay lập tức một cách nhanh chóng thì có thể thực hiện 1 trong các thủ thuật được các nhà tâm lý học gợi ý sau:
1. Súc miệng
Súc miệng với nước súc miệng hoặc đơn giản là nước sạch sẽ kích thích dây thần kinh phế vị. Dây thần kinh này chính là "nhân vật" chịu trách nhiệm gây ra cảm giác lo âu bồn chồn. Vậy nên súc miệng sẽ làm chậm phản ứng căng thẳng, lo lắng và gửi thông tin "hãy điều hòa cảm xúc" lên não. Ngoài ra, việc ca hát và cười cũng mang lại tác dụng tương tự.
2. Thở chậm
Chắc chắn nhiều người đã biết rằng hít hơi thật sâu có thể làm giảm căng thẳng. Nhưng cụ thể thở sâu, thở chậm như thế nào, bao lâu thì không phải ai cũng rõ.
Việc hít thở sâu và chậm cũng là một cách để kích thích dây thần kinh phế vị. Công thức lý tưởng là hơi thở ra dài gấp đôi lần hít vào, tốt nhất là 4 giây hít vào và tiếp đó là 8 giây thở ra. Hãy thực hiện chu kỳ thở chậm 12 giây này vài lần để cảm thấy bình tĩnh hơn. Khi hít vào, chúng ta nên dùng mũi, còn khi thở ra thì nên thở ra bằng đường miệng với động tác như thổi nến sinh nhật vậy.
3. Cầm một viên đá lạnh trong tay
Đây là một mẹo rất hữu hiệu để kiểm soát sự hoảng sợ. Hãy cầm một viên đá trong tay và giữ nó càng lâu càng tốt. Hãy chuyển đá luân phiên ở hai tay. Nhiệt độ lạnh của đá sẽ ép não bộ phải tập trung chú ý vào cảm giác khó chịu do lạnh cóng đó và vì thế sẽ phớt lờ nỗi lo, hoảng loạn của chúng ta.
4. Giúp các cơ thư giãn
Thực hiện thủ thuật giãn cơ là phương thức rất khoa học để chiến đấu với sự căng thẳng, áp lực. Chúng ta có nhiều cách để giãn cơ. Đơn giản nhất là thực hiện với bàn chân, bằng cách co các ngón chân vào bàn chân thật chặt, giữ nguyên trong 10 giây rồi thả ra. Hay cách thứ hai là ép vai lên gần tai và giữ trong 10 giây rồi thả ra. Ngay cả khi không cần giải tỏa tâm lý, chúng ta cũng nên thi thoảng thực hiện thủ thuật này để cơ thể bớt mỏi mệt.
5. Kỹ thuật thả lỏng cảm xúc
Kỹ thuật thả lỏng cảm xúc (EFT) được áp dụng rất nhiều trong việc điều trị bệnh trầm cảm, chứng lo âu hay các bệnh liên quan. Chúng ta dùng đầu ngón tay chạm vào các điểm cụ thể trên cơ thể liên tục như đỉnh đầu, bàn tay, một điểm trên lông mày, dưới mắt, dưới mũi, cằm, xương đòn,... Cùng lúc đó, người thực hiện cần tập trung nghĩ đến lý do đang làm họ khó chịu và lặp lại một số cụm từ ngắn nhất định.
6. Ngửi mùi quen thuộc
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc ngửi một số mùi hương nhất định có thể giúp con người thấy dễ chịu, bớt căng thẳng hơn, ví dụ như mùi thơm của tinh dầu hay mùi chúng ta thích, thấy quen thuộc.
Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Wiley năm 2006 cho biết 80% phụ nữ và 50% đàn ông cố tình ngửi quần áo đã qua sử dụng của người yêu hoặc bạn đời khi họ đi vắng, không ở bên cạnh. Những người này cho biết họ cảm thấy thoải mái, dễ chịu khi làm như vậy.
7. Ôm kiểu bướm
Động tác ôm kiểu bướm là một kỹ thuật trị liệu tâm lý rất đơn giản và dễ thực hiện để tâm trạng thư giãn. Bạn chỉ việc bắt chéo tay, úp lòng bàn tay đặt lên trước ngực. Các ngón tay đặt dưới xương đòn rồi nhẹ nhàng chạm vào gần vai, luân phiên hai bên trái, phải. Đồng thời trong lúc thực hiện chúng ta cũng nên thở chậm thì càng hiệu quả hơn.