Trực thăng Ingenuity của NASA thất bại trong chuyến bay thứ 4 trên sao Hỏa
Trực thăng Ingenuity không thể cất cánh tại hố trũng Jezero để thực hiện nhiệm vụ bay 266 m trong 117 giây theo lịch trình ban đầu.
Theo kế hoạch, trực thăng Ingenuity nặng 1,8 kg của NASA sẽ cất cánh từ hố trũng Jezero lúc 21h12 hôm 29/4, bắt đầu chuyến bay thứ 4 trên sao Hỏa. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra. "Chuyến bay thứ 4 đầy tham vọng của trực thăng sao Hỏa không thành công, nhưng nhóm vận hành đang xử lý dữ liệu và sẽ sớm thử lại", Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) thuộc NASA thông báo trên Twitter.
Robot Perseverance chụp ảnh trực thăng Ingenuity (góc dưới bên phải) không thể cất cánh hôm 29/4. (Ảnh: NASA/JPL-Caltech).
Ingenuity cũng từng gặp trục trặc trong lúc chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên. Nó không thể chuyển sang chế độ bay như kế hoạch. Nhóm vận hành đã xử lý bằng cách thay đổi chuỗi lệnh gửi đi từ Trái Đất, giúp Ingenuity cất cánh thành công lần đầu tiên hôm 19/4. Các thử nghiệm trên Trái Đất cho thấy sự điều chỉnh này hiệu quả khoảng 85%. Có thể vấn đề tương tự đã xảy ra với Ingenuity hôm qua và chuyến bay thứ 4 không may nằm trong số 15% còn lại.
Ingenuity cùng robot Perseverance đáp xuống hố trũng Jezero rộng 45 km ngày 18/2. Trực thăng này rời khỏi bụng robot ngày 3/4 và bắt đầu thực hiện nhiệm vụ của mình. Nhiệm vụ có mục đích chính là chứng minh tính khả thi của việc khám phá sao Hỏa bằng phương tiện bay.
Đến nay, Ingenuity đã thực hiện 3 chuyến bay vào các ngày 19, 22 và 25/4 với quãng đường ngày càng dài. Trong chuyến thứ 3, trực thăng này đã bay 100 m trong 80 giây, đạt vận tốc tối đa 7,2 km/h. Với chuyến thứ 4, nó dự kiến bay 266 m trong 117 giây, vận tốc tối đa là 13 km/h.
Nhiệm vụ bay của Ingenuity sắp kết thúc. Theo kế hoạch, nó sẽ thực hiện 5 chuyến bay trong khoảng một tháng với sự hỗ trợ của robot Perseverance. Sau đó, Perseverance sẽ tập trung vào nhiệm vụ của mình gồm tìm kiếm dấu vết sự sống cổ đại trên sao Hỏa và thu thập mẫu vật để gửi về Trái Đất trong tương lai.