Tử cung nhân tạo: Tương lai phụ nữ không phải "mang nặng đẻ đau" vì đã có máy móc làm thay
Theo tờ The Guardian, những nhà nghiên cứu của trường đại học Eindhoven đã thành công phát triển nguyên mẫu tử cung nhân tạo, qua đó giúp cứu sống trẻ sinh thiếu tháng và có khả năng giúp phụ nữ khỏi mang nặng đẻ đau sau này.
Đến năm 2017, nguyên mẫu này được thí nghiệm thành công bởi các nhà khoa học đến từ khoa nhi Bệnh biện Philadelphia (CHOP) khi nuôi dưỡng được một chú cừu non trong môi trường tử cung nhân tạo.
Đối với những ai đã từng xem phim "Ma Trận" (The Matrix) thì đây có lẽ là tương lai của nhiều đứa trẻ được sinh ra từ tử cung nhân tạo.
Đây có lẽ là tương lai của nhiều đứa trẻ sau này.
Từ lý thuyết đến hiện thực
Năm 2019, Chương trình Horizon 2020 EU đã đồng ý cấp 2,9 triệu Euro giải thưởng cho bất kỳ nhà khoa học nào phát triển được mô hình tử cung nhân tạo.
Nguyên mẫu này được xây dựng bởi các nhà nghiên cứu thuộc đại học công nghệ Eindhoven khi xây dựng một môi trường nhân tạo như tử cung người, bao bọc các em bé bằng chất lỏng rồi bơm oxy và dinh dưỡng qua đường rốn.
Dạ con này mô phỏng hoàn toàn dạ con trong bụng mẹ. Khi chúng ta đặt phổi trở lại môi trường nước để chúng tiếp tục phát triển, chúng có thể phát triển toàn diện trong khi trẻ sẽ nhận được oxy từ dây rốn như trong dạ con của mẹ.
Công nghệ mới có thể giúp nâng tỷ lệ trẻ em sinh non dưới 22 tuần tuổi lên thành 60%.
Nhóm nghiên cứu của trường Eindhoven cho biết nguyên mẫu của họ không đơn giản là một chiếc túi sinh học bằng nhựa, mà được mô phỏng dựa trên dạ con thật của phụ nữ và có cả âm thanh tiếng tim đập của mẹ.
Theo giáo sư Guid Oei của trung tâm y tế Maxima, những biện pháp tiếp cận trẻ sinh non trước đó có nhiều rủi ro do phổi và ruột của bé chưa phát triển đầy đủ. Bởi vậy việc bơm oxy và chất dinh dưỡng có thể gây tổn hại các cơ quan. Tuy vậy công nghệ mới có thể làm thay đổi tất cả.
Về lý thuyết, những trẻ em sinh non dưới 22 tuần tuổi sẽ gần như không có cơ hội sống sót, trong khi những bé ở 22 tuần tuổi chỉ có 10% cơ hội tồn tại. Thế nhưng công nghệ mới có thể giúp nâng tỷ lệ này lên thành 60%.
Thí nghiêm tử cung nhân tạo thành công cho cừu của CHOP
Hiện tại, mỗi năm thế giới có khoảng 1 triệu trẻ em chết vì sinh non và rất nhiều bé chịu dị tật do chào đời quá sớm.
Bình thường một thai nhi sẽ cần 40 tuần phát triển trong bụng mẹ và bất cứ trường hợp nào đẻ sớm trước 37 tuần sẽ bị coi là sinh non. Những đứa trẻ nào sinh trong khoảng 23-24 tuần sẽ đối mặt với các khả năng mắc dị tật hoặc thậm chí là tử vong.
Tờ The Guardian cho biết tại các quốc gia có nền y tế phát triển, trẻ em sinh trong khoảng 23 tuần cũng chỉ có 24% cơ hội sống sót và 76% còn lại sẽ có khả năng mắc các dị tật như tổn thương não, mù lòa, gặp vấn đề về phổi và ruột...
Hiện sinh non là nguyên nhân lớn nhất khiến trẻ em thiệt mạng và mắc dị tật tại các nước phát triển. Bởi vậy công nghệ tử cung nhân tạo có thể là bước đột phá cho vấn đề này.
Năm 2017, những bác sĩ tại CHOP đã thành công thí nghiệm tử cung nhân tạo với 1 chú cừu sinh non 23 tuần tuổi. Được chứa trong một chiếc túi sinh học với oxy và chất dinh dưỡng bơm qua đường dây rốn, chú cừu này tiếp tục phát triển tốt và lớn lên khỏe mạnh ngay cả sau khi đã rời tử cung nhân tạo trên.
"Thí nghiệm trên vô cùng quan trọng bởi chúng cho thấy tính khả thi của việc giữ trẻ sơ sinh sống sót trong khoảng 4 tuần với môi trường tử cung nhân tạo", giáo sư Oei nhấn mạnh.
Dẫu vậy, việc phát triển công nghệ này cũng gây nhiều tranh cãi khi các nhà khoa học sẽ phải thử nghiệm chúng trên trẻ em thật cũng như các tác động lâu dài của việc dùng tử cung nhân tạo với trẻ nhỏ. Đó là chưa kể đến những vấn đề liên quan đến đạo đức khi con người có thể duy trì nòi giống một cách phi truyền thống.
Liệu trong tương lai, con người có được sinh ra trong những "bồn" nhân tạo như trong phim "Ma Trận"?
"Rõ ràng là những vấn đề về luật pháp, đạo đức sẽ nảy sinh khi công nghệ này phát triển và đưa vào ứng dụng", giảng viên luật Elizabeth Chloe Romanis của trường đại học Manchester cảnh báo.
Tương lai đáng sợ của nhân loại
Công nghệ tử cung nhân tạo không phải điều gì mới mẻ. Viện Karolinska tại Thụy Điển đã đăng tải bài nghiên cứu vào năm 1958 về sử dụng tử cung nhân tạo. Một số nhóm nghiên cứu tại Canada đã thực hiện thí nghiệm trên cừu non vào đầu thập niên 1960 và Nhật Bản cũng đã thực nghiệm vào năm 1963.
Trên thực tế, công nghệ này chưa được đăng ký bản quyền và chúng được công khai từ năm 1958 đến nay. Rất nhiều dự án thực nghiệm đã được tiến hành và lần nào cũng thu hút được sự chú ý của dư luận bởi những hình ảnh ám ảnh của chúng.
Trong khi một số ủng hộ công nghệ này vì chúng cứu sống được trẻ sinh non và có thể giúp phụ nữ bớt đau đẻ, nhưng nhiều người lại cho rằng hành động này phá hoại kết cấu xã hội loài người và đi ngược quy luật tự nhiên.
"Mối đe dọa lớn nhất từ kỹ thuật này không phải đến từ những bà mẹ không đủ sức khỏe mang thai mà đến từ những phụ nữ không muốn sinh con. Nếu tử cung nhân tạo được phát triển thì chúng có khả năng kích thích nạn phá thai bởi những bào thai này sẽ được ấp trong lồng nhân tạo và nhận nuôi", tiến sĩ Anna Smajdor của trường đại học Oslo-Thụy Điển cảnh báo.
Cũng theo bà Smajdor, việc xóa bỏ vai trò của người phụ nữ trong sinh đẻ có thể đi kèm vô số hệ lụy. Kể từ thập niên 1950, hãng chục bang của Mỹ đã truy tố những phụ nữ sử dụng ma túy khi đang mang thai và nếu công nghệ trên phát triển, liệu chính phủ có sẵn sàng lấy thai nhi khỏi cơ thể mẹ để phát triển lành mạnh hơn?
Tương tự như trong các bộ phim khoa học viễn tưởng, việc phát triển tử cung nhân tạo và đông lạnh trứng có thể giúp nhiều phụ nữ sinh con không cần mang nặng đẻ đau, thậm chí có khả năng sinh con khi đã lớn tuổi, qua đó tập trung vào sự nghiệp.
Thế nhưng chúng sẽ khiến việc mang thai tự nhiên trở thành dấu hiệu nghèo đói khi các nước giàu theo đuổi cách duy trì nòi giống như vậy.
"Việc mang nặng đẻ đau gắn liền với giá trị làm mẹ và tình mẫu tử khi sinh con chứ không phải duy nhất câu chuyện duy trì nòi giống", tiến sĩ Smajdor cảnh báo.