Vì sao mâm cỗ cúng Tết cổ truyền không có thịt bò?
Mâm cỗ cúng ngày Tết truyền thống có gà, heo... nhưng không có món từ thịt bò. Lý do xuất phát từ nền văn minh lúa nước.
Tiến sĩ sử học Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu Ẩm thực Việt Nam, Trưởng Đề án Bếp Việt - Bếp của thế giới, lý giải tục không cúng thịt bò trong mâm cúng ngày Tết cổ truyền do yếu tố địa lý, lịch sử. Việt Nam là nước nông nghiệp lúa nước, người dân không làm thịt trâu, bò vì đây là công cụ lao động chính. Luật cấm ăn thịt trâu, bò được triều đại Lý - Trần ban hành và tiếp tục tới triều Nguyễn.
Ông dẫn trong sách "Hội điển của triều Nguyễn" do Trần Viết Ngạc viết, ghi chép thống kê về những món ăn tiến vua hay thiết đãi sứ giả cũng không có món nào dùng đến thịt bò. Còn cỗ bàn cúng tế của triều đình chỉ có 4 món thịt bò gồm nem, ninh, quay và luộc.
Mâm cỗ truyền thống Bắc Bộ. (Ảnh: Nguyễn Phương Hải)
Các món từ thịt bò ít xuất hiện trong mâm cỗ xưa vì quan niệm ăn uống lúc này là "ăn chắc, mặc bền", nghiêng về cơm, rau, thủy sản. Trước Tết, các hộ gia đình, làng xã thường có tục lệ "đụng" (mổ) lợn làm cỗ, nên có đến gần 70% các món ăn có mặt trên mâm cỗ truyền thống được chế biến từ thịt lợn....
Theo Tiến sĩ Nguyễn Nhã, những món thịt bò du nhập vào nước ta dưới thời Pháp thuộc, được chế biến phục vụ lính Pháp là chính. Ban đầu là món bò bít tết, bò sốt vang... sau được người Hà Nội tiếp nhận, thay đổi thành món ăn vặt cho vừa khẩu vị. Do lối ăn Tết cổ truyền có từ lâu đời, các thế hệ người Việt đến Tết thường bày đủ gà luộc, giò heo, bánh chưng, canh măng... trên mâm cỗ cúng. Sau này, một số nhà có cúng thêm giò bò - một biến thể từ giò lợn.
Mâm cỗ cúng hiện đại ngày Tết. (Ảnh: Nhung Ngô).
Hiện nay, việc mua bán thực phẩm dễ dàng hơn, nhiều gia đình có thêm những món giải ngấy như bắp bò ngâm dấm, thịt bò khô xé... nhưng không đặt lên ban thờ cúng. Mâm cúng Tết cổ truyền vẫn còn rõ nét nhất ở các gia đình Bắc Bộ do yếu tố nông nghiệp chi phối. Ngoài ra, cũng có nhiều gia đình hướng đến ăn Tết hiện đại, tối giản hóa mâm cỗ.
Gia đình bà Đào Bích Loan (11 Hàng Gai) hàng chục năm nay đều bày cỗ cúng cổ truyền miền Bắc. Đều đặn sáng 29 Tết, bà ra chợ sắm đồ làm mâm cỗ cúng giao thừa. Bà mua gà, hoa tươi, gạo nếp, gấc... bên cạnh bánh chưng, thịt đông, giò lụa, giò xào, miến... được chuẩn bị từ trước. Bà nói: "Cách làm cỗ tôi học từ các cụ, 6 đời nay đều làm vậy, không thay đổi gì. Riêng mùng 3 hóa vàng tôi sẽ đổi cỗ bằng bún thang".
Mâm cỗ hiện đại chuẩn bị cho mùng 2. (Ảnh: Vĩnh Quyên).
Đối với đầu bếp Nguyễn Phương Hải, con cháu một gia đình 6 đời ở Hà Nội, mâm cỗ Tết là một chuỗi những món ăn được chế biến trang trọng, cầu kỳ hơn bữa cơm thường ngày. Anh cho rằng cuộc sống hiện đại cũng khiến các gia đình thay đổi quan niệm về việc chế biến một mâm cỗ Tết truyền thống. "Ở một số gia đình trẻ còn có cả những món ăn mới hoặc món ăn nước ngoài. Nhưng những món hợp miệng, mới du nhập... đều mang thắp hương được, miễn là con cháu thể hiện sự thành kính và nhớ ơn tổ tiên của mình", anh Hải nói.