Vụ va chạm có thể tạo ra Mặt trăng 4,5 tỷ năm trước
Mô phỏng trên siêu máy tính hé lộ kết quả của vụ va chạm giữa hành tinh cổ Theia với Trái đất, sự kiện có thể tạo ra Mặt trăng.
Các nhà khoa học tại Đại học Durham, Anh, dùng siêu máy tính để mô phỏng vụ va chạm giữa hành tinh cổ Theia, lớn tương đương sao Hỏa, với Trái đất 4,5 tỷ năm trước, Phys hôm 4/12 đưa tin. Theo mô phỏng, vụ va chạm có thể tạo ra vật thể giống Mặt trăng.
Vật thể giống Mặt trăng hình thành khi Theia xoay nhẹ và va chạm với Trái đất. (Video: Sergio Ruiz-Bonilla).
Đây không phải bằng chứng chắc chắn về nguồn gốc của Mặt trăng, nhóm nghiên cứu tỏ ra thận trọng. Tuy nhiên, đây có thể là một bước tiến trong quá trình tìm hiểu sự hình thành của vệ tinh tự nhiên này. Nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Monthly Notices of the Royal Astronomical Society.
Nhóm nghiên cứu chạy mô phỏng để theo dõi sự thay đổi của vật chất 4 ngày sau vụ va chạm giữa Trái đất và Theia. Vụ va chạm mang lại những kết quả khác nhau tùy vào hướng và cách xoay của Theia, ví dụ như chúng sẽ hợp nhất lại hoặc bắn ra xa. Đáng chú ý, khi Theia không xoay, vụ va chạm tạo ra một khối vật chất với khối lượng bằng khoảng 80% Mặt trăng.
Khi các nhà khoa học cho Theia xoay nhẹ, một vật thể giống Mặt trăng cũng xuất hiện sau vụ va chạm. Vật thể này quay quanh Trái đất và sẽ lớn dần nhờ gom vật chất từ đĩa bụi xung quanh hành tinh xanh. Nó có lõi sắt tương tự Mặt trăng, trong khi lớp ngoài chứa vật chất từ Theia và Trái đất cổ xưa. Trong một nghiên cứu khác, kết quả phân tích của mẫu đất Mặt trăng do các tàu Apollo mang về cũng cho thấy, hỗn hợp vật chất từ Trái đất cổ xưa và một vật thể va chạm khác có khả năng đã tạo nên Mặt trăng.
Đây có thể là một bước tiến trong quá trình tìm hiểu sự hình thành của Mặt trăng.
"Thật thú vị khi một số mô phỏng của chúng tôi tạo ra khối vật chất quay quanh Trái đất, chỉ nhỏ hơn Mặt trăng một chút. Đĩa bụi quanh Trái đất sau khi va chạm có thể giúp khối vật chất này tăng khối lượng qua thời gian. Tôi không nói đây là Mặt trăng, nhưng chắc chắn đây là đối tượng thú vị để tìm hiểu thêm", Sergio Ruiz-Bonilla, tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ tại Viện Vũ trụ học Máy tính thuộc Đại học Durham, cho biết.
Nhóm nghiên cứu đang lên kế hoạch chạy thêm nhiều mô phỏng máy tính khi thay đổi khối lượng, vận tốc và tốc độ quay của cả Trái đất lẫn Theia. Họ muốn tìm hiểu xem những thay đổi này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự hình thành của vật thể giống Mặt trăng.

Tìm hiểu về tia gamma và chớp gamma
Tia gamma (kí hiệu là γ) là một loại bức xạ điện từ hay quang tử có tần số cực cao.

Phát hiện thêm "ngôi nhà tương lai" cho loài người
Trong hành trình khám phá vũ trụ và tìm kiếm các hành tinh có khả năng sống, các nhà khoa học đã phát hiện ra một hành tinh đáng chú ý mang tên Gliese 667C c.

Trái đất sẽ bị huỷ diệt vào năm 2029 hay 2036?
Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng một tiểu hành tinh có thể va chạm vào Trái đất vào bất cứ lúc nào. Và các số liệu thống kê cho thấy rằng một thiên thể to cỡ quả bóng đá hoàn toàn có khả năng huỷ diệt sự sống trên trái đất

Hành tinh "siêu Trái Đất" có thể chứa sự sống
Một ngoại hành tinh ở cách 111 năm ánh sáng có thể là phiên bản lớn của Trái Đất với những điều kiện phù hợp cho sự sống.

Màu sắc thực sự của Mặt trời là gì?
Con người thường thấy Mặt Trời màu vàng nhưng thực chất, ngôi sao này phát ra ánh sáng mạnh nhất màu xanh.

Làm thế nào để nhìn thấy dải Ngân hà?
Dưới một bầu trời đêm quang đãng, không trăng và vắng ánh đèn thành phố, bạn sẽ thấy vẻ đẹp lộng lẫy của thiên hà.
