Đạp xe, đi bộ, thể dục nhịp điệu... giúp giảm triệu chứng Covid-19 kéo dài
Theo nghiên cứu mới đây, tập thể dục nhịp điệu, chạy bộ, đạp xe hoặc đi bộ... đều giúp giảm triệu chứng Covid-19 kéo dài. Thời gian tập luyện phù hợp là khoảng 30 phút mỗi ngày, có thể chia làm 2 lần tùy thể trạng.
Nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu y sinh Pennington (Mỹ) chỉ ra rằng tập thể dục đều đặn giúp làm giảm các triệu chứng trầm cảm và bệnh tiểu đường liên quan đến hội chứng Covid kéo dài (Long Covid).
Người mắc Covid-19 tập thể dục tại Bệnh viện điều trị Covid-19 3B, quận Phú Nhuận, TP.HCM (ảnh chụp sáng 1-3) - (Ảnh: QUANG ĐỊNH).
Theo nghiên cứu được đăng tải trên tập san khoa học Exercise and Sports Science Reviews, các bằng chứng hiện có về Covid kéo dài cho thấy tình trạng viêm do nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể gây ra một loạt tác dụng phụ ở một số người bệnh hậu Covid-19, như sức khỏe tâm thần sa sút hay các mức insulin bị gián đoạn gây ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.
Tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Candida Rebello tại Trung tâm Pennington, cho rằng điều này có thể tạo ra "vòng luẩn quẩn" dẫn đến các vấn đề về rối loạn chức năng tế bào. Tuy nhiên, việc tập thể dục có thể giúp cải thiện từng vấn đề từ căng thẳng tâm lý, tình trạng viêm cho đến khắc phục chứng rối loạn insulin.
Tiến sĩ Rebello cũng nêu rõ các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng hội chứng Covid kéo dài hủy hoại các ty thể cung cấp năng lượng cho các tế bào từ đó khiến người bệnh suy nhược. Vì vậy, việc tập luyện vừa phải sẽ giúp phục hồi các ty thể, giúp chống lại bệnh tật.
Theo tiến sĩ Rebello, cả bài tập thể dục nhịp điệu, tim mạch và kỵ khí (tập phá vỡ glucose trong cơ thể mà không cần sử dụng oxy) như nâng tạ đều có lợi cho sức khỏe, giúp giảm căng thẳng và tình tạng viêm nhiễm liên quan đến hội chứng Covid kéo dài.
Đáng chú ý, việc tập thể dục nhịp điệu sẽ giúp cải thiện đáng kể độ nhạy insulin. Do đó, chạy, đạp xe hoặc đi bộ sẽ là những phương pháp hữu hiệu hơn đối với các bệnh nhân có bệnh nền tiểu đường.
Dựa trên các khuyến nghị chung và những lợi ích thu được qua nghiên cứu, thời gian tập luyện phù hợp là khoảng 30 phút mỗi ngày và có thể chia làm 2 lần, tùy thể trạng. Với những người gặp hội chứng Covid-19 kéo dài gây kiệt sức, thời gian tập luyện ban đầu có thể ngắn hơn, sau có thể tăng dần.
Tiến sĩ Rebello nhấn mạnh cần có thêm nhiều nghiên cứu để xác định rõ những lợi ích của việc tập thể dục đối với bệnh nhân gặp các triệu chứng Covid kéo dài và Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) sẽ tài trợ cho một nghiên cứu như vậy trong thời gian tới. Bà cũng cho rằng để làm giảm nguy cơ mắc hội chứng Covid kéo dài, mỗi người cần hình thành một thói quen tập luyện nhất quán và đều đặn.
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, có khoảng 15 - 18% bệnh nhân Covid-19 gặp phải các triệu chứng Covid kéo dài. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra nhiều khả năng bệnh sẽ diễn tiến xấu hơn ở những người không vận động và thường mắc các bệnh mãn tính.