Khám phá UBIM - Trợ thủ vạn năng mới của quân đội Nga
Không chỉ trong chiến đấu, UBIM còn được sử dụng để khắc phục sự cố thảm họa công nghiệp và tự nhiên…
Đòi hỏi của thực tiễn
Tham chiến tại Syria, các lực lượng vũ trang Nga đã thu được nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc sử dụng vũ khí, thiết bị quân sự, và các xe máy công binh cũng không ngoại lệ. Trong các trận chiến đấu, Công binh Nga đã sử dụng cả các mẫu xe máy quân sự chuyên dụng và một loạt mẫu máy kéo và máy ủi dân dụng với nhiều cải biên tạm thời để phục vụ tấn công và phòng ngự.
Trong tấn công, các xe ủi đã được sử dụng để mở các lối đi qua chướng ngại vật và đống đổ nát để bộ binh và xe bọc thép tiến công. Việc mở đường bế tắc thường dẫn đến sự thất bại của chính cuộc tấn công. Trong phòng ngự, các phương tiện kỹ thuật đã được sử dụng để tạo ra các khối chắn, rào chắn, kè và giao thông hào giúp bảo vệ vững chắc trận địa và giảm thiểu tổn thất sinh lực và phương tiện kỹ thuật do hỏa lực của địch gây ra.
UBIM - xe công binh đa năng mới của Quân đội Nga. (Nguồn: anna-news.info).
Việc hoàn thành một loạt nhiệm vụ đòi hỏi nhiều thiết bị đặc chủng chuyên dụng khác nhau, không chỉ ảnh hưởng đến công tác hậu cần và tiến độ công việc, mà còn đòi hỏi sự hiện diện đồng thời nhiều xe máy chuyên dụng ở tuyến đầu. Xuất phát từ thực tế này, quân đội Nga đã nhận thấy phải có một mô hình thiết bị kết hợp càng nhiều chức năng càng tốt và có thể thực hiện công việc ngay cả dưới hỏa lực của kẻ thù và ý tưởng về một phương tiện công binh đa năng đã được thai nghén.
UBIM - trợ thủ mới
Do lực lượng Công binh Nga được trang bị các phương tiện kỹ thuật khác nhau, mỗi loại chỉ có thể giải quyết một số hạn chế nhiệm vụ, dự án tạo ra một xe công binh bọc thép vạn năng (универсальная бронированная инженерная машина - УБИМ, UBIM) có thể cùng lúc thay thế một số mẫu xe máy kỹ thuật chuyên dụng hiện có là xe sửa chữa-cứu kéo bọc thép (бронированная ремонтно-эвакуационная машина БРЭМ - BREM), xe ủi (инженерная машина разграждения - ИМР, IMR), xe rà phá bom mìn bọc thép (бронированная машина разминирования - БМР, BMR), đã được thông qua.
Được thiết kế bởi Văn phòng Thiết kế Kỹ thuật Giao thông Ural (УКБТМ - UKBTM) và do Tổ hợp Khoa học - Sản xuất Uralvagonzavod chế tạo, mô hình UBIM (với mật danh “Đối tượng 153” - «Объект 153») được giới thiệu tại diễn đàn Army-2017 và mẫu đầu tiên ra mắt vào năm 2018. UBIM được phát triển để mở đường trong khu đô thị, trên địa hình gồ ghề, trong rừng, cứu kéo các xe máy bị hư hỏng; phá bỏ các khối đá, lấp mương, khe núi và hầm hố; chặt cây, nhổ gốc cây, dọn tuyết để các đơn vị hành quân và di chuyển, và thực hiện nhiều công việc khác. Trong quá trình thiết kế chế tạo, kinh nghiệm sử dụng thiết bị kỹ thuật trong các cuộc xung đột địa phương và cả ở Syria đã được tính đến.
UBIM đã vượt qua thử nghiệm-sát hạch rất phức tạp. (Nguồn: anna-news.info).
UBIM được trang bị một lưỡi máy ủi có thể thay đổi góc độ để ủi đất; một tời kéo để sơ tán các phương tiện chiến đấu bị hỏng hóc, kẹt, sa lầy...; một búa thủy lực để đập vỡ các kết cấu bê tông và các tảng đá lớn; một gàu xúc vạn năng để đào và xúc đất; hoặc mỏ kẹp để di chuyển các chướng ngại vật… Hiệu quả làm việc cao của các thiết bị được đảm bảo bởi một hệ thống điều khiển điện tử với chức năng giám sát và chẩn đoán các thông số chính, giúp đơn giản hóa, giảm thời gian bảo trì và sửa chữa xe định kỳ; một hệ thống video quan sát khu vực làm việc cho phép thực hiện các công việc cả ban ngày và ban đêm; hệ thống thông khí, điều hòa nhiệt độ, và lò sưởi cung cấp điều kiện làm việc thoải mái cho kíp xe.
UBIM được tạo ra trên khung gầm của xe tăng T-90 và được thiết kế để thực hiện công việc dưới hỏa lực của đối phương, trong rừng rậm hay các bãi đá, kể cả ở các khu vực bị ô nhiễm. Xe cũng được trang bị một bộ phương tiện trinh sát các đường di chuyển của bộ đội, bao gồm máy dò mìn cầm tay hoạt động theo nguyên lý cảm ứng, thiết bị quan sát đa kênh, thiết bị trinh sát hóa học và phóng xạ; thiết bị bảo vệ, thiết bị phụ trợ và dụng cụ thủy lực thủ công…, nhờ đó, phạm vi thực hiện nhiệm vụ được mở rộng.
Xe máy tương tự ở Vương quốc Anh có xe công binh “Trojan”, được tạo ra trên cơ sở khung xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger của Anh, trang bị súng máy 7,62mm; có tốc độ tối đa (trên đường nhựa) 56km/h, dự trữ hành trình 450km, khả năng nâng 3.000kg. Đức có hai mẫu - “Wisent 2” và “Kodiak AEV 3” (hợp tác với Thụy Sĩ chế tạo). Wisent 2 và Kodiak AEV 3 được chế tạo trên khung gầm của xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 của Đức, có khối lượng lần lượt là 60 và 62 tấn, khả năng nâng 4.000 và 3.500 kg. Wisent 2 được gắn súng 12,7mm, Kodiak AEV 3 - súng 7,62mm. Tất cả các xe nước ngoài này đều có kíp xe hai người.
UBIM - “bò cạp” vạn năng
Các thử nghiệm xe công binh bọc thép vạn năng UBIM đã được hoàn tất, theo đó, để mở đường, UBIM đã phải nghiền nát tảng đá, phá rừng, dò mìn, giải cứu xe tăng, dập lửa… dưới hỏa lực của súng trung liên của “quân xanh”. UBIM đã tỏ ra không thua kém các thiết bị tương tự hiện đại của nước ngoài, vượt qua các đối thủ về khả năng nâng; đồng thời, “bọ cạp” mới của Nga có phạm vi chức năng rộng hơn và khả năng chiến đấu mạnh hơn.
UBIM đã chứng tỏ vượt trội các đối thủ nước ngoài ở mọi phương diện. (Nguồn: tass.ru).
UBIM dùng động cơ V-92S2F (В-92С2Ф) công suất 1.130 mã lực cho phép xe đạt tốc độ tối đa 60 km/h, dự trữ hành trình 500km, nặng 55 tấn. Mặc dù có trọng lượng đáng kể, UBIM có tính cơ động cao; khả năng mở đường trong rừng 100-500m/h, đường đá 100-350m/h; khả năng ủi 300-400m3/h, khả năng đào đất 100-120m3/h; khối lượng cực đại có thể nâng 7.500kg; tốc độ rà mìn 12km/h.
Kíp xe gồm 2 người - trưởng xe và lái xe; xe có chỗ cho thêm ba người, có thể là các chiến sĩ công binh để hỗ trợ rà phá bom mìn giải phóng mặt bằng, và chỗ để nước dự trữ. Vị trí chỉ huy được tự động hóa, chỉ huy xe có thể theo dõi và truyền dữ liệu về tình hình trong thời gian thực trong khuôn khổ hệ thống kiểm soát chỉ huy chiến thuật thống nhất (единой системы управления тактическим звеном - ЕСУ ТЗ, ESU TZ). Trong buồng lái có thiết bị điều khiển các hệ thống khung gầm với màn hình đặc biệt hiển thị các thông số.
Xe được trang bị một mô-đun chiến đấu điều khiển từ xa tích hợp súng máy 12,7mm (cơ số đạn 1.200 viên), máy đo xa laser, và kính ngắm hiện đại cũng như các kênh hướng dẫn hình ảnh nhiệt và truyền hình cho phép phát hiện mục tiêu cả ngày lẫn đêm và trong điều kiện tầm nhìn kém ở phạm vi lên tới 5.000m. UBIM được trang bị tổ hợp kỹ thuật được chương trình hóa (программно-технического комплекса – ПТК, PTK) và thống video để quan sát khu vực làm việc.
Máy thông tin kỹ thuật số là một phần của PTK, đảm bảo liên lạc vô tuyến không bị nhiễu và có độ bảo mật cao nhờ ngụy trang kỹ thuật và thay đổi tần số, phạm vi liên lạc ít nhất 20km. Hệ thống định hướng hiện đại, bao gồm thiết bị định vị vệ tinh, cho phép kíp xe định hướng chính xác địa hình và tương tác với các phân đội khác khi làm việc trong hệ thống ESU TZ. Để ngụy trang, UBIM được trang bị các phương tiện tạo màn khói và thiết bị tạo khói theo nguyên lý nhiệt.
UBIM sẽ sớm có trong trang bị của Công binh Nga. (Nguồn: topwar.ru).
Khung gầm UBIM được lắp ráp từ các bộ phận và tổ máy của xe tăng T-90M, gồm hai mô-đun cho cấu trúc vỏ thép - chống vũ khí thông thường (vỏ giáp với vật liệu composite gốm) bảo vệ trước các đòn tấn công trực tiếp của đạn pháo đối phương và chống bức xạ hạt nhân (bổ sung các tấm chì để bảo vệ kíp xe khỏi bị phơi nhiễm phóng xạ). Có ý kiến cho rằng, trong tương lai, UBIM có thể sử dụng khung gầm Armata, có mức bảo vệ kíp xe đáng tin cậy nhất. Hiện tại, khung gầm tăng T-72 và T-90 hoàn toàn phù hợp vì chúng đã được thử nghiệm toàn diện, và thích nghi với mọi mục đích.
UBIM cũng có thể được chế tạo trên cơ sở khung gầm T-72B3 để giảm chi phí sản xuất. Xe đặc chủng này được tin là sẽ sớm được trang bị cho Quân đội Nga, ở cấp Sư đoàn và Tập đoàn quân. Bộ Quốc phòng quyết định thành lập các đại đội công binh xung kích trong thành phần của các lữ đoàn Công binh và xe chuyên dụng UBIM sẽ nâng cao sức mạnh và tăng khả năng của các phân đội này trên chiến trường.
Những xe máy hiện đại vô cùng cần thiết đối với quân đội, tạo khả năng tối đa bảo vệ sự sống và sức khỏe của binh sĩ. Nó hữu ích không chỉ trong chiến tranh, mà còn để giải quyết các nhiệm vụ khắc phục sự cố trong các trường hợp khẩn cấp, thảm họa công nghiệp và tự nhiên. Robot hóa nhằm giảm thiểu sự tham gia của con người trong các công việc nguy hiểm và nặng nhọc là một xu hướng phát triển các thiết bị quân sự của quân đội các nước tiên tiến.