NASA đưa men bia lên không gian để làm gì?
Theo kế hoạch, NASA sẽ đưa 2 chủng men bia lên vệ tinh mini CubeSat để đi cùng sứ mệnh lên Mặt trăng - Artemis 1. Họ muốn làm gì?
Bức xạ vũ trụ vẫn là một mối nguy hiểm đáng kể đối với những người thám hiểm không gian: sự bắn phá vô hình của các hạt nguyên tử nặng cùng năng lượng cao từ pháo sáng mặt trời và siêu tân tinh có thể gây tổn thương cho cơ thể con người.
NASA dùng men bia để nghiên cứu bức xạ vũ trụ
Thật không may, bức xạ vũ trụ khó có thể tái tạo trong phòng thí nghiệm. Điều này khiến việc nghiên cứu các tác hại của nó trở thành một thách thức.
Theo trang tin Inverse, trong nỗ lực tìm ra cách đối phó với các loại bức xạ của vũ trụ, các nhà khoa học Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) đã khởi động một nghiên cứu mang tên "Nhiệm vụ BioSentinel".
Họ đặt hai chủng men bia (còn được gọi là Saccharomyces cerevisiae), gồm một chủng mạnh mẽ và một chủng nhạy cảm, vào vệ tinh mini CubeSat để đi cùng sứ mệnh lên Mặt trăng - Artemis 1.
Sau khi đến Mặt trăng, dự kiến vào cuối năm 2022, vệ tinh mang theo BioSentinel sẽ tách ra, bay qua Mặt trăng để quay quanh Mặt trời.
BioSentinel được đặt trong CubeSat - một vệ tinh nhỏ có kích thước bằng hộp ngũ cốc - và sẽ tách ra khỏi tên lửa của sứ mệnh Artemis 1 khi đến Mặt trăng - (Ảnh: GETTY)
Sứ mệnh Artemis 1 sẽ tồn tại khoảng 3 tuần trên quỹ đạo, nhưng CubeSat và BioSentinel sẽ ở trong không gian lâu hơn, khoảng 6 tháng. Các nhà khoa học có thể kiểm soát từ xa các hoạt động của nấm men và các thí nghiệm kèm theo trong vệ tinh CubeSat.
Men bia - một sinh vật đơn bào - có một chất tương tự với cơ thể con người. Loại men này sửa chữa được những tổn thương DNA - một hậu quả chính của bức xạ - tương tự như cách hoạt động của tế bào con người.
NASA hy vọng men bia bay trên vũ trụ sẽ tiết lộ thông tin mới về cách bức xạ vũ trụ có thể ảnh hưởng đến các phi hành gia của họ, từ đó giúp họ tìm ra cách để con người di chuyển trong không gian dài ngày hơn.