Phôi thai đầu tiên được tạo ra không cần tinh trùng và trứng
Các nhà khoa học Viện nghiên cứu Weizmann của Israel đã phát hiện tế bào gốc từ chuột có thể tự lắp ghép thành các cấu trúc phôi thai với đường ruột, tế bào não và tim.
Các cấu trúc mà Viện nghiên cứu Weizmann tạo ra được gọi là "phôi thai tổng hợp" bởi chúng hình thành mà không trải qua quá trình thụ tinh giữa trứng và tinh trùng, Guardian ngày 3/8 đưa tin.
So sánh giữa phôi thai tự nhiên và phôi thai nhân tạo của chuột. (Ảnh: Viện nghiên cứu Weizmann).
Các nhà khoa học cho biết phôi thai tổng hợp của chuột giống phôi thai tự nhiên đến 95% về cấu trúc bên trong và cấu trúc di truyền của tế bào. Các bộ phận hình thành từ phôi thai có khả năng hoạt động.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết phôi thai tổng hợp không có khả năng phát triển thành động vật sống nếu như không được cấy ghép vào tử cung của một con chuột cái.
Các nhà khoa học cho biết nghiên cứu phôi thai tổng hợp giúp mang lại hiểu biết sâu sắc hơn về cách mô và các cơ quan hình thành trong quá trình phôi thai tự nhiên phát triển.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học tin rằng nghiên cứu này giúp giảm số lượng thí nghiệm trên động vật, mở đường cho việc tọa ra nguồn cung tế bào và mô mới phục vụ cấy ghép trên người.
Ví dụ, tế bào da của một bệnh nhân ung thư bạch cầu có thể được biến đổi thành tế bào gốc tủy xương để điều trị căn bệnh ung thư của chính họ.
"Tế bào phôi gốc tạo ra toàn bộ phôi tổng hợp, bao gồm nhau thai và túi noãn bao quanh phôi. Nghiên cứu này và các ứng dụng của nó khiến chúng tôi vô cùng phấn khích", giáo sư Jacob Hanna, người chỉ đạo nghiên cứu, cho biết.