Quái vật vũ trụ “trong truyền thuyết” lần đầu tiên xuất hiện
Một vật thể gây hoang mang cho các nhà thiên văn học suốt 100 năm đã lộ bản chất thật: Nó là dạng tiền thân của một "quái vật vũ trụ" cực hiếm.
Theo SciTech Daily và Science Alert, nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi tiến sĩ Tomer Shenar thuộc Đại học Amsterdam (Hà Lan) đã phát hiện con quái vật kỳ dị mang tên HD 45166 là một ngôi sao Wolf-Rayet đang hấp hối.
Cuộc hóa thân "bùng nổ" tạo ra một sao từ có thể đã sắp xảy ra - (Ảnh: SCITECH DAILY)
HD 45166 đã được phát hiện từ lâu, là một thế giới giàu heli, có một ngôi sao đồng hành. Nó giống Wolf-Rayet - một dạng sao hiếm với quang phổ bất thường, mang cái tên kết hợp giữa tên 2 nhà thiên văn đã khám phá ra loại vật thể này - nhưng lại thiếu đi vài yếu tố.
Nó có một kiểu gió sao bất thường và dường như bị mất mát khối lượng một cách bí ẩn.
Nghiên cứu mới của các nhà khoa học Hà Lan - dựa trên các quan sát mới nhất từ một loạt kính viễn vọng mạnh nhất thế giới - đã phát hiện ra rằng quái vật này có từ trường cực mạnh. Nó trở thành sao Wolf-Rayet đầu tiên có từ tính được phát hiện.
HD 45166 đang bắn vật chất vào không gian, do đó mất dần khối lượng.
Quá trình này sẽ khiến nó tự sụp đổ thành sao neutron, một vật thể siêu đặc có đường kính chỉ 20km nhưng khối lượng gấp vài lần các ngôi sao bình thường như sao mẹ của chúng ta.
Và đó là một dạng "cao cấp" của sao neutron: Sao từ, với từ trường mạnh hơn sao neutron thường 1.000 lần và hơn địa cầu tận 4 tỉ tỉ lần.
Sao từ từng được mô tả trong các lý thuyết thiên văn, nhưng nhìn thấy tận mắt cách nó ra đời thì đây là lần đầu tiên. Cũng như các sao neutron khác, nó là một dạng "thây ma", mà vật thể ban đầu sinh ra nó phải là một ngôi sao khổng lồ.
Để thành sao từ, HD 45166 phải có từ trường vượt trội. Các phép đo cho thấy cường độ từ trường của nó lên tới 43.000 gauss, con số mạnh nhất từng được ghi nhận.
Các nhà khoa học vẫn đang quan sát nó và hy vọng bắt được trực tiếp sự ra đời của một vật thể "trong truyền thuyết", từ lâu đã được cho là thủ phạm của nhiều hiện tượng bất thường bao gồm sóng vô tuyến lạ mà các đài thiên văn thỉnh thoảng bắt được từ vũ trụ.
"Thật thú vị khi phát hiện ra một loại vật thể thiên văn mới, đặc biệt là khi nó luôn ẩn mình trong tầm nhìn rõ ràng" - tiến sĩ Shenar nói. Các chi tiết về quái vật vũ trụ này vừa được công bố trên tạp chí khoa học Science.

Điều gì xảy ra nếu hành tinh lang thang va chạm Trái đất?
Chịu va chạm từ một hành tinh lang thang sẽ khiến Trái đất bị phá hủy hoàn toàn. Việc nó chỉ xuất hiện trong Hệ Mặt trời cũng đã khiến quỹ đạo mọi hành tinh thay đổi.

Tổng quan về sao Thiên Vương
Sao Thiên Vương là hành tinh thứ bảy tính từ Mặt Trời; là hành tinh có bán kính lớn thứ ba và có khối lượng lớn thứ tư trong hệ.

Những "quả bom nguyên tử" lớn nhất vũ trụ
Siêu tân tinh là vụ nổ phát ra năng lượng khổng lồ và độ sáng làm lu mờ cả thiên hà với chứa vài trăm tỷ ngôi sao.

Siêu đám thiên hà Laniakea đáng sợ như thế nào?
Siêu đám Laniakea, còn được gọi là "Siêu đám Thiên hà Laniakea" hoặc "Siêu đám SCI", là một siêu đám chứa Dải Ngân hà và khoảng 100.000 thiên hà khác.

Có vô số ngôi sao trên trời, chúng được đặt tên và nhận dạng như thế nào?
Có rất nhiều ngôi sao có thể nhìn thấy trên bầu trời đêm, nhưng qua nhiều thế kỷ, các nhà thiên văn học đã nghĩ ra cách để nhận ra chúng một cách độc đáo.

30 năm trước NASA vô tình chụp được hành tinh khác đang "sống"?
Các nhà khoa học Mỹ đã lật lại bộ dữ liệu từ tàu Magellan của NASA, chụp hơn 30 năm trước và chỉ ra bằng chứng ngạc nhiên cho thấy một hành tinh khác của hệ Mặt Trời vẫn đang hoạt động địa chất.
