Tìm ra thủ phạm tiềm năng mới của bệnh Alzheimer
Phân tích mô não người hiến tặng, các nhà khoa học Mỹ đã tìm ra một hướng đi mới có thể tạo đột phá trong cuộc chiến chống lại Alzheimer.
Nghiên cứu do Đại học Washington (Mỹ) dẫn đầu, được công bố trên tạp chí khoa học Nature Aging, đã tìm thấy sự khác biệt về cách hoạt động của các tế bào microglia trong não mắc bệnh Alzheimer so với não khỏe mạnh.
Microglia là những tế bào miễn dịch giúp giữ cho bộ não của chúng ta khỏe mạnh bằng cách loại bỏ chất thải và duy trì chức năng não bình thường.
Từ trái qua: Tế bào não khỏe mạnh, tế bào bị Alzheimer và tế bào bị chết do microglia "nhấn chìm" - (Ảnh: SCIENCE PHOTO LIBRARY).
Để đối phó với sự lây nhiễm hoặc để loại bỏ các tế bào chết, chúng có thể "biến hình" thuận lợi hơn và cơ động hơn để nhấn chìm những thứ có hại cho bộ não.
Chúng cũng "cắt tỉa" các khớp thần kinh trong quá trình phát triển, giúp tạo thành những mạch não trơn tru, hoạt động tốt hơn.
Để đi sâu hơn vào vai trò của microglia trong bệnh Alzheimer, các nhà thần kinh học đã phân tích mô não từ những người hiến tặng, bao gồm 12 người mắc bệnh Alzheimer và 10 người đối chứng khỏe mạnh.
Họ đã sử dụng snRNA-seq, một phương pháp phân tích biểu hiện gene, xác định sâu 10 cụm microglia khác nhau trong mô não dựa trên bộ biểu hiện gene duy nhất của chúng - là thứ định hướng hoạt động của các tế bào.
Ba trong số các cụm chưa từng được nhìn thấy trước đây và một trong số chúng phổ biến hơn ở những người mắc bệnh Alzheimer. Loại microglia này có các gene được kích hoạt có liên quan đến tình trạng viêm và chết tế bào.
Nhìn chung, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các cụm microglia loại này trong não của những người mắc bệnh Alzheimer có nhiều khả năng là đang ở trạng thái tiền viêm.
Điều này có nghĩa là chúng có nhiều khả năng tạo ra các phân tử gây viêm một cách "quá khích", thay vì bảo vệ cơ thể thì lại có thể gây tổn thương tế bào não và góp phần vào sự tiến triển của bệnh Alzheimer.
Ngoài ra, các loại microglia trong não bệnh nhân Alzheimer cũng hoạt động kém hiệu quả hơn người bình thường. Việc dọn dẹp thiếu hiệu quả làm thấp đi cơ hội có một bộ não lão hóa khỏe mạnh.
Hiện tại, các tác giả chưa thể khẳng định 100% rằng chúng là nguyên nhân trực tiếp gây ra Alzheimer, hay bị căn bệnh nan y này biến đổi như thế nào. Tuy nhiên, rõ ràng 2 vấn đề có mối liên quan mật thiết.
Vì vậy, theo dõi sự thay đổi của microglia theo thời gian có thể giúp chúng ta hiểu chúng góp phần gây ra bệnh Alzheimer như thế nào.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Alzheimer và các bệnh mất trí nhớ khác đang xếp hàng thứ 7 trong số các nguyên nhân gây tử vong sớm hàng đầu và đang có xu hướng gia tăng nhanh trên toàn thế giới.
Theo Science Alert, nghiên cứu này vẫn đang ở giai đoạn đầu nhưng nó nâng cao hiểu biết của chúng ta về vai trò của các tế bào này đối với bệnh Alzheimer và cho thấy một số cụm microglia có thể là mục tiêu cho các phương pháp điều trị mới.