Trạm Vũ trụ Quốc tế xả 78kg rác ra ngoài không gian
Túi chứa 78kg quần áo bẩn và rác thải khác được trạm ISS đẩy ra ngoài trong thử nghiệm đầu tháng 7, dự kiến cháy rụi trong khí quyển.
Video: Nanoracks
Bất cứ nơi nào con người sinh sống đều sẽ có rác thải. Tuy nhiên, Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) không có xe chở rác đều đặn đi qua để dọn dẹp như dưới mặt đất. Hôm 2/7, NASA và công ty vũ trụ Nanoracks thử nghiệm một biện pháp mới để xử lý rác thải trên trạm vũ trụ này.
Thử nghiệm liên quan đến Khóa không khí Bishop của Nanoracks. Đây là khóa không khí (airlock - khoang kín khí) thương mại đầu tiên trên thế giới, được lắp bên ngoài trạm ISS vào ngày 23/12/2020. Khóa không khí nặng 907 kg, được thiết kế để triển khai các vệ tinh nhỏ và đóng vai trò như một hộp dụng cụ di động cho những chuyến đi bộ ngoài không gian và tổ chức thí nghiệm.
Thử nghiệm mới là lần đầu tiên khóa không khí này được sử dụng để đổ rác. Đây là "mô hình hiệu quả và bền vững hơn để loại bỏ rác thải trên ISS", Nanoracks tuyên bố hôm 6/7.
Túi rác được đẩy ra từ khóa không khí Bishop.
Phi hành đoàn nhét 78 kg quần áo bẩn, mút xốp, vật liệu đóng gói, đồ văn phòng đã qua sử dụng và các sản phẩm vệ sinh vào túi đựng trong khóa không khí. Sau đó, họ đóng kín túi và dùng cánh tay robot di chuyển Bishop đến vị trí thích hợp để xả rác.
Thử nghiệm có thể cung cấp cho phi hành đoàn ISS một lựa chọn mới để xử lý rác thải. Thông thường, các phi hành gia cần thu gom rác thải của nhiều tháng rồi nhét chúng vào một tàu vũ trụ chở hàng, con tàu sau đó sẽ tách khỏi trạm ISS và lao xuống khí quyển cháy rụi.
Tàu vũ trụ có thể chứa khối lượng rác lớn hơn nhiều so với thùng chứa của khóa không khí. Tuy nhiên, khóa không khí lại giúp các phi hành gia đổ rác thường xuyên hơn, tránh việc rác chất đống trên trạm ISS, nơi vốn có không gian hạn chế.
"Khi tiến tới thời kỳ có nhiều người sinh sống và làm việc trên không gian hơn, đây là một công việc thiết yếu, giống như với tất cả mọi người ở nhà", Cooper Read, quản lý chương trình Khóa không khí Bishop, cho biết.
Nanoracks đang phát triển một trạm vũ trụ riêng và hy vọng nó sẽ đi vào hoạt động năm 2027. Một hệ thống xử lý rác tương tự có thể cũng nằm trong thiết kế của trạm này.
Túi rác cuối cùng sẽ bốc cháy trong khí quyển Trái đất. Trong một thông báo hồi tháng 2, Nanoracks cho biết quá trình này có thể mất khoảng 9 tháng mới hoàn thành, tùy thuộc khối lượng rác. Cho đến lúc đó, có thể túi rác của trạm ISS sẽ tiếp tục bay quanh Trái đất.

Năm ánh sáng là gì? Một năm ánh sáng bằng bao nhiêu km?
Năm ánh sáng là đơn vị đo thông dụng ngoài vũ trụ bao la, rộng lớn. Và người ta thường nhầm lẫn nghĩ rằng đây là đơn vị đo thời gian.

Sẽ ra sao nếu bạn rơi vào hố đen vũ trụ?
Thật khó tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra khi rơi vào một hố đen. Một mô phỏng mới đây đã hé lộ trải nghiệm kinh hoàng này.

Thiên Vương Tinh - Hành tinh kỳ lạ nhất Hệ Mặt Trời
Cho tới khi chưa tìm ra được Hành tinh thứ 9 (chỉ mới là giả thuyết), Thiên Vương Tinh (Uranus) vẫn là hành tinh "khác người" nhất so với 7 hành tinh còn lại của hệ Mặt Trời chúng ta.

Những sự thật "khó tin nổi" về sao Thiên vương
Sao Thiên vương có thể chứa được 63 Trái đất bên trong nó, mùa hè ở đây kéo dài tới 42 năm, sao Thiên vương chỉ có 2 mùa.... đây là những sự thật khó tin, ít người biết về sao Thiên Vương.

Chiêm ngưỡng hiện tượng thú vị và hiếm gặp: Thất tinh hội ngộ Mặt trăng!
Bảy hành tinh gồm sao Kim, sao Mộc, sao Thủy, sao Hỏa, sao Thổ, sao Thiên Vương, sao Hải Vương và Mặt trăng sẽ cùng "trình diễn" trên bầu trời từ ngày 17 đến 27-6.

Phát hiện hố đen "lớn" nhanh nhất trong 9 tỷ năm
Các nhà khoa học Australia phát hiện một hố đen siêu lớn có khối lượng bằng 3 tỷ Mặt Trời. Họ tin rằng đây là hố đen phát triển nhanh nhất trong 9 tỷ năm qua.
