Trung Quốc lắp kính thiên văn mạnh nhất Bắc bán cầu
Các nhà khoa học Trung Quốc khởi động dự án kính thiên văn trường rộng có khả năng khảo sát toàn bộ bầu trời ở tỉnh Thanh Hải.
Một cảnh quan ở thị trấn Lenghu, nơi lắp đặt kính thiên văn mới của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.
Việc xây dựng Kính viễn vọng Khảo sát Trường rộng (WFST), một công cụ quang học có đường kính 2,5 m, đã bắt đầu từ hôm 11/5 ở thị trấn Lenghu của tỉnh Thanh Hải, nơi được mệnh danh là "khu cắm trại trên sao Hỏa" của Trung Quốc do nằm ở độ cao trung bình lên tới 4.200 m so với mực nước biển và có cảnh quan sa mạc bị xói mòn đến mức trông giống bề mặt của hành tinh đỏ.
Với vốn đầu tư 200 triệu nhân dân tệ, tương đương 31 triệu USD, dự án được triển khai bởi nhiều cơ quan nghiên cứu bao gồm Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc và Đài quan sát Zijin Shan thuộc Viện Khoa học Trung Quốc. Sau khi hoàn thành, nó có thể khảo sát toàn bộ bầu trời từ Bắc bán cầu ba đêm một lần.
"WFST sẽ trở thành kính thiên văn khảo sát bầu trời mạnh nhất ở Bắc bán cầu", Giáo sư Kong Xu tại Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, nhà thiết kế chính của dự án, nhấn mạnh trong buổi lễ khởi công.
Với kính viễn vọng này, các nhà khoa học Trung Quốc hy vọng có thể tạo ra những bước đột phá trong lĩnh vực thiên văn học, bao gồm việc tìm kiếm các thiên thể bên ngoài hệ Mặt Trời và nghiên cứu cấu trúc của dải Ngân Hà.